Tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển

 Tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển
Suy giảm nghiêm trọng

Khai thác biển, làm giàu từ biển là vấn đề đặt ra trong mỗi quốc gia có biển hiện nay, nhưng thường đi kèm với đó là các phương thức khai thác thiếu tính bền vững. Các hoạt động khai thác chỉ tập trung đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn trước mắt, không tính đến hậu quả mai sau, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường như không có hoặc thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể. Cùng với đó là cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, những tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tài nguyên sinh vật biển suy giảm, ô nhiễm môi trường biển gia tăng và tác động tiêu cực trở lại đối với phát triển kinh tế-xã hội trên từng địa phương và mỗi quốc gia có biển.

Kết quả nghiên cứu của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đều chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng hơn 80% lượng cá biển toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức, hoặc bị khai thác cạn kiệt, trong khi nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt khi sản lượng đánh bắt giảm đến 90% trong những năm gần đây. Liên quan đến tài nguyên sinh vật biển, điều đáng quan tâm là sự suy giảm các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn có nguyên nhân từ con người ngày một tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Theo ước tính Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), cỏ biển đã mất 30 – 60%; rừng ngập mặn chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô trên toàn cầu đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1998.  Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Các rạn san hô thường là môi trường sống của khoảng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Sự mất dần của các rạn san hô sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà tác động đến phát triển kinh tế-xã hội đối với mỗi vùng và mỗi quốc gia có tài nguyên sinh vật biển.

Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, khu vực ven biển ở nhiều quốc gia trên trái đất đang chịu những thách thức và áp lực của gia tăng dân số, các họat động phát triển kinh tế ven biển, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản…, các nguồn thải từ đất liền đổ thải trực tiếp ra các cửa sông và các khu vực ven biển gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ven biển.

Đề xuất chỉ số đánh giá

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Đa dạng sinh học được định nghĩa chính thức của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) là đa dạng các sinh cảnh sống, các phức hệ sinh thái trên cạn, biển, các sinh cảnh dưới nước khác, trong đó bao gồm cả sự đa dạng trong một loài, giữa các loài và các hệ sinh thái. Như vậy trước hết để nói đến sự phong phú và đa dạng của sinh vật biển nói chung, hay những loại có thể khai thác trở thành “tài nguyên sinh vật biển” cần phải thống nhất một điểm quan trọng, đó là phát triển bền vững tài nguyên sinh vật biển nói riêng không nằm ngoài mục tiêu, nội dung, nguyên tắc chung về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.

Đánh giá tính bền vững của khai thác sử dụng tài nguyên sinh vật biển bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học biển, việc sử dụng bền vững các thành phần của nó và chia sẻ công bằng nguồn lợi, lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên sinh vật. Với cách tiếp cận 3 vấn đề trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường, hướng tới thực hiện mục tiêu cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phát triển nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường.

Theo đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh đề xuất một số tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển trong điều kiện Việt Nam. Cụ thể là chậm nhất đến năm 2020, mọi tầng lớp nhân dân đều nhận thức được giá trị của tài nguyên sinh vật biển và các bước cơ bản, hoạt động cơ bản mà họ có thể thực hiện để bảo tồn và sử dụng nó một cách bền vững. Các giá trị tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học biển phải được lồng ghép, tích hợp vào hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu quốc gia, địa phương về phát triển bền vững, chiến lược xóa đói giảm nghèo và quy trình lập kế hoạch; hệ thống hoạch toán và hệ thống báo cáo quốc gia.

Cũng đến năm 2020, hạn chế và tiến tới xóa bỏ được toàn bộ các chính sách ưu đãi bất hợp lý cho việc khai thác tài nguyên sinh vật biển. Bãi bỏ hoặc đổi mới (thay thế mới) bằng những chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động tiêu cực, tăng cường các chính sách khuyến khích việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học. Các chính sách tích cực này được phát triển và áp dụng, phù hợp các quy định của quốc gia và hài hòa với Công ước và nghĩa vụ quốc tế khác có liên quan, có tính đến điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan ở tất cả các cấp hoàn thiện việc xây dựng lộ trình, các bước cụ thể để đạt được hoặc đã thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sản xuất và tiêu thụ bền vững tài nguyên sinh vật biển. Có chương trình cụ thể về những hoạt động nhằm góp phần hạn chế tác động tiêu cực, thực hiện việc sử dụng các nguồn tài nguyên sinh vật nằm trong giới hạn an toàn sinh thái.

Bên cạnh tiêu chí giảm tỷ lệ tổn thất của tất cả các thành phần môi trường sống đại dương tự nhiên, bao gồm rừng ngập mặn; ít nhất là giảm một nửa so với mục tiêu đến mức không có tổn thất và ngăn chặn hiệu quả xu thế suy thoái và sự phân chia nhỏ tài nguyên để khai thác. Phải phấn đấu đến năm 2020 tất cả các loài cá biển có giá trị kinh tế và động vật, thực vật thủy sinh được quản lý và thu hoạch bền vững. Sử dụng các công cụ pháp lý và áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái để hạn chế được tình trạng đánh bắt quá mức với các công cụ hủy diệt (mắt lưới nhỏ, lưới cào, thuốc nổ, kích điện…). 

Ngoài việc xây dựng kế hoạch phục hồi và các biện pháp cụ thể cho tất cả các loài đang cạn kiệt, kể cả các loài có giá trị kinh tế thấp, các loại sinh vật biển đang bị đe dọa và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương; duy trì được trữ lượng thủy sản tự nhiên nằm trong giới hạn an toàn sinh thái (trữ lượng loài và các hệ sinh thái tự nhiên). Lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp biển đều được quản lý một cách bền vững, đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học. Cải thiện tình trạng của đa dạng sinh học biển, sinh vật biển bằng cách bảo vệ các hệ sinh thái, loài và đa dạng di truyền, nhằm đảm bảo đến năm 2020 ít nhất 17% của các vùng nước cạn và nội địa, 10% của các vùng biển và ven biển, đặc biệt là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với đa dạng sinh học biển và dịch vụ hệ sinh thái, được bảo tồn thông qua các hệ thống chỉ tiêu quản lý hiệu quả, kết nối tốt các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khu vực dựa trên hiệu quả khác, tích hợp vào các cảnh quan và sinh cảnh biển rộng lớn mang tính toàn cầu...

Cùng với đó là tăng cường thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên sinh vật biển thông qua việc lập kế hoạch có sự tham gia, quản lý tri thức và xây dựng năng lực, nhằm phổ biến kiến thức, các cơ sở khoa học và các công nghệ liên quan đến đa dạng sinh học biển, giá trị tài nguyên sinh vật biển, chức năng, hiện trạng, xu hướng, hậu quả của sự suy giảm được chia sẻ sẽ được chuyển giao và áp dụng rộng rãi. Đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên sinh vật biển, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản  phù hợp với quá trình củng cố và thống nhất trong Chiến lược tài nguyên chung của quốc gia.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm