Sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven bờ ở Bình Thuận

Sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven bờ ở Bình Thuận
Làng nuôi cá lồng trên biển ở đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Làng nuôi cá lồng  trên biển ở  đảo Phú Quý, Bình Thuận.
Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Từ lâu mảnh đất này đã nổi tiếng về nghề biển, nghề làm nước mắm. Ngày nay tại vùng ven bờ đang hình thành các khu du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành, khai thác dầu khí ngoài khơi, chế biến và xuất khẩu thủy sản… Song, những thách thức đã xuất hiện ngay khi bước vào tiến trình đổi mới và phát triển như: Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, thủy triều đỏ xuất hiện nhiều hơn, rác biển, sinh cảnh và cảnh quan ven biển bị xâm hại và suy thoái. Nhất là tình trạng biển xâm thực hàng năm đã làm nhiều bờ biển sạt lở, người dân mất nhà cửa; thêm vào đó là việc quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên chưa hợp lý, thiếu đồng bộ cũng tạo áp lực, tiềm ẩn thiệt hại và thảm họa, đòi hỏi cần có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa lâu dài…
Ngư dân nuôi cá lồng bè đã hạn chế khai thác ven bờ tại vùng biển đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Đình Hồng
Ngư dân nuôi cá lồng bè đã hạn chế khai thác ven bờ
tại vùng biển đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Đình Hồng
Thời gian qua các địa phương, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực giải quyết những vấn đề bức xúc từ biển, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là vùng ven bờ, nơi tập trung đông dân cư với đa dạng loại hình phát triển kinh tế… Chính vì vậy, UBND đã ban hành chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm quản lý để các nguồn tài nguyên, giá trị chung của biển và vùng ven bờ được sử dụng hợp lý, lâu bền, tiến tới giảm thiểu mâu thuẫn sử dụng ven bờ giữa các ngành, các cấp nhằm tránh những rủi ro của thiên tai và đạt được sự phát triển bền vững vùng ven bờ. Đây cũng là cơ sở quan trọng từng bước cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn và giữ gìn tài nguyên, sử dụng hợp lý các giá trị chung vùng ven bờ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân sinh trước mắt và lâu dài.

Một góc đảo Phú Quý, BÌnh Thuận. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Một góc đảo Phú Quý, BÌnh Thuận. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Nội dung chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị, phương thức sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, giá trị chung vùng ven bờ và bảo vệ môi trường vùng ven bờ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị cơ sở vật chất; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ tốt vùng ven biển, phục hồi dải rừng phòng hộ trên cồn cát, rặng san hô, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử vùng ven bờ; giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường do sự phát triển của các hoạt động kinh tế tổng hợp, đô thị hóa vùng bờ, sự cố môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu… nhằm bảo vệ chất lượng môi trường các hệ sinh thái; sử dụng bền vững tài nguyên vùng ven bờ, giảm xung đột lợi ích trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích bảo vệ môi trường lâu dài.

Thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ cần có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận bền vững.
Theo baobinhthuan.com.vn

Có thể bạn quan tâm