Khai thác tiềm năng hệ thống vũng-vịnh ở Việt Nam

Khai thác tiềm năng hệ thống vũng-vịnh ở Việt Nam
Các vũng-vịnh trước hết là các hợp phần có vai trò chủ yếu trong điều kiện tự nhiên của dải ven biển và tạo nên đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên ven biển của Việt Nam. Nhiều vịnh đẹp của Việt Nam có thương hiệu quốc tế về cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang, Vịnh Lăng Cô…Nhiều vịnh có thương hiệu quốc gia như Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Đà Nẵng, Vịnh Rạch Giá, Vịnh Gành Rái, Vịnh Cam Ranh… 

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Trong vùng biển ven bờ, với các nguồn động lực bờ, vũng-vịnh tham gia quan trọng vào biến động của môi trường biển ven bờ, nhất là hiện tượng xói lở, tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên, điều kiện sinh thái môi trường do các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên ở các vũng-vịnh. Đa dạng sinh học các vũng-vịnh, đặc biệt là các hệ sinh thái ven bờ vũng-vịnh cũng là các yếu tố thiên nhiên có vai trò lớn trong sinh thái vùng biển. Vì vậy, nghiên cứu điều kiện tự nhiên các vũng-vịnh có đóng góp tích cực vào nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá các vấn đề của vùng biển ven bờ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về mặt an ninh-quốc phòng, vũng-vịnh được coi như cửa mở hướng ra biển, có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước, cũng như giao tiếp với thế giới bên ngoài bên cạnh đường hàng không. Ở nhiều quốc gia, với điều kiện nước sâu, kín gió, ít bị bồi lắng, các vũng- vịnh lớn có vị trí thích hợp để xây dựng các quân cảng, các căn cứ hậu cần cho hoạt động quân sự trên biển như cảng Subic ở Philippin, Cam Ranh, Đà Nẵng ở Việt Nam, Tam Á ở Hải Nam-Trung Quốc. Trong lịch sử, không ít những cuộc xâm lược của nước ngoài vào nước ta thường bắt đầu từ các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Hải Phòng. Các vũng-vịnh cũng là các đầu nối giao thông hàng hải quan trọng, với sự hình thành các cảng lớn giữ vai trò trọng yếu trong hoạt động giao thông hàng hải, giao lưu thương mại quốc gia và quốc tế như các cảng Yokohama, Osaka ở Nhật, Pusan ở Hàn Quốc, Cao Hùng ở Đài Loan, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng ở Việt Nam. 

Với tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái, các vũng-vịnh thường là nơi có tính da dạng sinh học và các hệ sinh thái phong phú, giàu nguồn lợi hải sản, có nhiều trung tâm hoạt động nghề cá biển quan trọng ở mỗi nước. Đây là nơi neo đậu an toàn của các đoàn tàu cá, điểm xuất phát đánh bắt và nơi thu nhận sản phẩm từ các ngư trường xa gần, nơi trú ẩn tránh bão. Trên bờ các vũng-vịnh thường có các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ hải sản. Vũng-vịnh còn là môi trường nuôi trồng hải sản thích hợp, ngày càng được tận dụng, đặc biệt là phát triển kỹ thuật nuôi giàn, nuôi lồng trong vùng nước yên tĩnh của vũng-vịnh. 

Tiềm năng du lịch dựa vào hệ sinh thái cảnh quan vũng-vịnh cũng là thế mạnh lớn ngày càng được đẩy mạnh khai thác. Với điều kiện thích hợp cho sự hình thành các cảnh quan có giá trị du lịch, đặc biệt là các rạn san hô dưới vịnh, các khu rừng, hang động trên bờ vịnh, các bãi tắm ven bờ vịnh, các đảo nhỏ ven bờ là các tài nguyên du lịch biển có giá trị quốc gia và quốc tế của mỗi nước đang được chú trọng khai thác. Ngoài tài nguyên sinh vật, cũng cần nói đến tài nguyên khoáng sản, như cát thuỷ tinh, vật liệu xây dựng, mĩ nghệ, sa khoáng ti tan… cũng là những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác. Những tiềm năng về nhiều mặt của các vũng-vịnh là những điều kiện và nguyên nhân dẫn tới sự hình thành, phát triển ở mỗi vũng-vịnh các đô thị, các thành phố, các khu dân cư, các khu công nghiệp nhiều khi rất lớn để phục vụ cho các hoạt động khai thác, sử dụng, quản lý. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ thống vũng-vịnh của Việt Nam gồm 48 khu vực phân bố dọc bờ biển. Với tài nguyên hải sản phong phú, các vũng-vịnh thường là các trung tâm hoạt động nghề cá biển quan trọng ở mỗi địa phương. Nhiều vũng-vịnh cũng là các đối tượng bảo tồn thiên nhiên quốc gia và quốc tế như di sản thế giới, công viên quốc gia, khu bảo tồn loài/sinh cư mà Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang là những ví dụ điển hình. 

Ở Việt Nam, đánh giá ô nhiễm môi trường, sức tải môi trường vũng-vịnh biển còn là một vấn đề khá mới mẻ và chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Trước sức ép của các hoạt động kinh tế-xã hội lên môi trường đang ngày một gia tăng trong những năm gần đây, một số nghiên cứu ô nhiễm môi trường và giải pháp phát triển bền vững vũng-vịnh là rất cần thiết. Các nguồn thải chính vào các vũng vịnh Việt Nam được thống kê bao gồm 5 nguồn: Từ sinh hoạt từ dân cư và khách du lịch; nguồn thải công nghiệp; nguồn chăn nuôi gia súc; gia cầm; nguồn nuôi trồng thủy sản và nguồn rửa trôi đất. Do đó cần phải thiết lập hồ sơ vũng-vịnh, xây dựng bộ tiêu chí vũng-vịnh đẹp quốc gia nhằm thực hiện đánh giá và tôn vinh hàng năm. Mặt khác đưa các nội dung bảo vệ môi trường và sinh thái vào trường học, các hội đoàn thể, các hoạt động nhân dịp ngày môi trường, ngày đại dương thế giới, ngày đa dạng sinh học, ngày làm sạch thế giới. Xây dựng các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu khoa học vũng-vịnh phục vụ phát triển bền vững. Nghiên cứu, điều tra cơ bản tổng hợp về tài nguyên và môi trường, mô hình quản lý, mô hình khai thác sử dụng, xã hội học, kinh tế học vũng-vịnh, cấp phép thải; thuế và phí môi trường; ký quỹ môi trường; trợ cấp môi trường; nhãn sinh thái. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Với tầm quan trọng về nhiều mặt, vũng-vịnh ven bờ các vùng biển đang là các đối tượng nghiên cứu ngày càng được chú trọng, nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc khai thác sử dụng hợp lý, phát triển bền vững. Bởi các hoạt động khai thác tài nguyên vũng-vịnh nhiều khi quá giới hạn cho phép, hoặc do những tác động gây tổn hại cho tài nguyên và môi trường vũng-vịnh. Xu hướng chung hiện nay là trên cơ sở hiểu biết đầy đủ, dự báo biến động tài nguyên môi trường vũng-vịnh, đề xuất các mô hình khai thác hợp lý, tổ chức quản lý theo hướng tổng hợp, nhằm điều hoà hoạt động khai thác giữa các ngành, xử lý các đối kháng về lợi ích. Đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vũng-vịnh./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm