Đông Hải phấn đấu trở thành huyện trọng điểm kinh tế biển của Bạc Liêu

Đông Hải phấn đấu trở thành huyện trọng điểm kinh tế biển của Bạc Liêu
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Phát huy tiềm năng sẵn có

Đông Hải có ngư trường rộng, với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển, là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven biển; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Với lợi thế đó, huyện đang quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhằm từng bước xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng và phát triển 4 xã, thị trấn, gồm thị trấn Gành Hào, xã Long Điền Tây, Điền Hải và Long Điền Đông trở thành khu kinh tế biển, là vùng động lực phát triển kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, huyện phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chú trọng các ngành nghề là thế mạnh của huyện như: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất muối. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, y tế, văn hóa… phục vụ sản xuất, phát triển du lịch, đời sống của nhân dân. 

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải chia sẻ, thời gian qua địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác thủy sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam và các nước lân cận cho ngư dân; tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi và đánh bắt bất hợp pháp (IUU); huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn được đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Huyện tổ chức sắp xếp lại ngành nghề khai thác phù hợp; sản xuất theo tổ, đội khai thác kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển và thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Đồng thời có biện pháp kịp thời ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, phát triển mới cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện tốt khâu sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác hải sản.

Huyện Đông Hải triển khai các chủ trương tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, có sự quản lý, tập trung của cấp trên, tạo nên bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng lẫn chiều sâu. Thực hiện hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, giao thông liên lạc. Đông Hải phấn đấu đến năm 2020, có gần 700 phương tiện khai thác, đánh bắt trên biển, với tổng công suất hơn 112.000 CV, đạt sản lượng 61.00 tấn.

Những năm qua, nhất là giai đoạn 2010-2015, kinh tế huyện tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,6%; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng bình quân 17%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt hơn 36 triệu đồng, tăng hơn 2 lần với năm 2010. Cơ sở hạ tầng về giao thông, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển được quan tâm đầu tư. Hoạt động kinh doanh thương mại phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn.

* Giải pháp phát triển

Huyện Đông Hải xác định, vùng biển và vùng ven biển có nhiều tiềm năng kinh tế để phát triển trở thành địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển đảo Việt Nam.

Tàu cá của ngư dân vào cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải sau chuyến đi biển. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Tàu cá của ngư dân vào cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải sau chuyến đi biển. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Để làm tốt điều này, trước mắt địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, lợi thế của địa phương. Tiếp tục đa dạng hóa chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, khai thác tốt và sử dụng có hiệu quả các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển; tăng cường kiểm soát, phòng ngừa xử lý ô nhiễm, sự cố môi trường biển; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo kịp thời về sự cố môi trường biển, các hoạt động gây suy thoái môi trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý…

Ông Phan Hùng Việt, Bí thư Huyện ủy Đông Hải nhấn mạnh, để làm tốt công tác này, địa phương chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, quy hoạch và đề ra các giải pháp bảo vệ tài nguyên biển, biển ven bờ. Huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đánh bắt, khai thác; đẩy mạnh hợp tác với các địa phương khác trong các lĩnh vực giao thông, vận tải biển, du lịch biển, bảo vệ môi trường biển, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển. Bên cạnh đó huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trên địa bàn, đặc biệt là các xã ven biển về bảo vệ tài nguyên biển, tài nguyên biển ven bờ, bảo vệ và tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển, thực hiện các giải pháp về biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước về biển Đông, hải đảo, về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển và vùng ven biển; hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Huyện tổ chức có hiệu quả “Tuần lễ Biển và Hải đảo” theo chủ đề hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường rộng khắp các địa bàn ven biển nhằm tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Thông báo rộng rãi các vấn đề cấp bách và các chính sách khai thác nuôi trồng thủy sản tại khu vực biển, ven biển để các tổ chức, cá nhân biết nhằm có giải pháp bảo vệ và thực hiện. Tranh thủ với ngành chức năng tỉnh đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch thị trấn Gành Hào phù hợp với quy hoạch khu kinh tế biển và Cảng biển Gành Hào; thị trấn Kinh tư, cụm dân cư ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông; hoàn thành các dự án quan trọng như khu cầu dẫn và dịch vụ trên biển…

Về khâu chế biến, tiêu thụ, huyện đang tập trung quy hoạch, chấn chỉnh lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm các kho chứa hàng. Tập trung thu mua, chế biến các sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu mà huyện có tiềm năng như chế biển thủy sản, sản xuất muối. Chú trọng nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Trong khai thác, đánh bắt, huyện tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu đánh bắt thủy sản, tàu thuyền có quy mô phù hợp và hiện đại tại khu kinh tế biển Gành Hào, khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất đóng mới tàu bằng vật liệu mới như, tàu vỏ sắt, tàu vỏ Composite; quy hoạch và mời gọi đầu tư cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, phát triển công nghiệp cơ khí, giao thông, chế tạo và sửa chữa các phương tiện vận tải; phát triển các loại hình dịch vụ duy tu, bảo dưỡng, dịch vụ hậu cần… đáp ứng nhu cầu khai thác kinh tế biển, nhất là đánh bắt xa bờ.

Với các giải pháp trên, Đông Hải quyết tâm trong tương lai gần sẽ đạt mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế biển, nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế của huyện theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là địa phương trọng điểm về kinh tế biển của Bạc Liêu.

Có thể bạn quan tâm