Tìm về hương vị chuối Laba

Tìm về hương vị chuối Laba
Du khách mua chuối Laba ở quầy chuối Tú Hà - sạp 083 chợ Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Du khách mua chuối Laba
ở quầy chuối Tú Hà - sạp 083 chợ Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh

Cái tên lạ

Chuối là một trong những loại trái cây rất phổ biến ở Việt Nam, hầu như ở địa phương nào cũng có thể trồng được loại cây này. Chính vì lẽ đó, hẳn nhiên khi nghe tới chuối Laba nhiều người sẽ tò mò bởi một cái tên không hề thuần Việt. Sở dĩ có cái tên chuối Laba, bởi trước đây khi vào xâm chiếm vùng đất mà nay là xã Phú Sơn thuộc huyện Lâm Hà, người Pháp gọi mảnh đất này với cái tên Laba. Sau quá trình tìm hiểu, nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng ở vùng đất này phù hợp với cây chuối, người Pháp tổ chức cho người dân Laba xưa trồng chuối và từ đó xuất hiện một loại chuối gắn liền với tên vùng đất – chuối Laba.

Ông Phan Văn Hùng, một người dân sống lâu năm ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà kể: Tên chuối Laba đã xuất hiện ở đây từ thời thực dân Pháp nên có một số người cho rằng, giống chuối này là do người Pháp mang vào trong quá tình xâm lược thuộc địa ở Việt Nam. Nhưng cũng có một số người già trong làng lại cho rằng, giống chuối này có khoảng  gần 100 năm trước, khi những người đi mở đất vùng Tây Nguyên đã mang theo giống chuối này đến trồng. Chưa ai dám chắc về con đường chuối đến với vùng Laba xưa như thế nào, chỉ biết rằng cho đến hôm nay, khi cái tên vùng Laba đã không còn nữa nhưng tên tuổi của chuối Laba thì vẫn còn nguyên vẹn với thời gian. Loại chuối Laba giờ được trồng rộng hơn ra cả những vùng lân cận của Phú Sơn như Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương… và vẫn giữ được vị dẻo, thơm rất riêng.

Chuối tiến vua
 
Từ năm 2007, Tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành nghiên cứu phục tráng và phát triển chuối Laba và cho trồng trên diện rộng. Hiện nay, chuối Laba Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) công nhận thương hiệu đặc sản. Chuối Laba đã trở thành thương hiệu riêng của vùng đất Lâm Đồng và nức tiếng cả nước và vươn ra cả thị trường quốc tế. Chuối Laba đã được phân phối trên thị trường TP.HCM, và đang mở rộng dần xuống các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh ven biển miền Trung, là mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các nước Trung Đông và đặc biệt là thị trường Australia với giá cao và ổn định. Đây cũng là một trong rất ít sản phẩm nông sản của Việt Nam đã chinh phục được khá nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Chuối Laba là thứ quả dân dã. Nó dân dã vì chính vị ngon ngọt chân thật giống như người dân quê hồn hậu. Nhưng  có mấy  ai biết rằng thứ quả mộc mạc, giản dị ấy từng được dâng vua một thủa ? Từ thời Pháp thuộc, tiếng tăm của chuối Laba đã vang xa, theo những chuyến xe ngựa ra tận Huế dâng lên vua, là thức quà quen thuộc sau những bữa ăn nơi thành nội. Thời gian sống ở Đà Lạt, chính vua Bảo Đại –vị vua cuối cùng của triều đình Phong kiến Việt Nam, vì thích mùi thơm của chuối Laba mà đã từng yêu cầu dùng chuối Laba làm món tráng miệng sau các bữa cơm chiều.

Quả không mập, phốp pháp như chuối hột, không nhỏ nhắn như chuối tiêu, cũng không mỡ màng, căng tròn như chuối ngự, chuối Laba rất dễ nhận ra bởi hình dáng đặc trưng của mình. Quả thon dài, hơi cong, cuống buồng nhỏ, trái úp úp vào buồng như mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló. Khi chín, quả có màu vàng óng mượt mà, một sắc vàng hươm rất dễ chịu và có phần quyến rũ nhất là dưới trời thu. Sắc vàng của lớp vỏ bên ngoài đã “ngon mắt” đến thế, càng ngỡ ngàng hơn khi ta bóc lớp vỏ ấy đi sẽ thấy cả một thiên đường ngọt lành, thơm thảo hiện ra. Thịt chuối Laba nuột nà, vàng sánh, cắn một miếng thấy dẻo dẻo, thơm thơm hương vị đầy chất tự nhiên thấm dần vào đầu môi, trôi nhẹ vào trong miệng rồi lan tỏa trong cơ thể.

Chuối Laba thuộc nhóm chuối Cavendish AAA, hiện có hai dòng chính: Dòng thân trắng và dòng thân tím, cây chuối cao từ 3-3,5 m, mỗi buồng có khoảng từ 10-12 nải, trọng lượng trung bình từ 40-50kg. Người dân vùng Phú Sơn vẫn quen gọi chuối Laba với cái tên nghe rất mộng mơ là chuối Dạ hương, và  lại chia nó ra làm hai loại nhỏ là Dạ hương cao và Dạ hương cùi.

Dạ hương cao khi chín có mùi thơm hơn, đặc trưng và đậm đà như mùi sầu riêng vậy. Nhà ai có buồng chuối Dạ hương cao đang chín, khách tới nhà sẽ phát hiện ra ngay và bên cạnh chén trà, ấm nước, chủ nhà luôn dọn sẵn một đĩa chuối thơm lừng.

Ông Phạm Ngọc Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn, chia sẻ : “Dân chúng tôi ở đây nhà nào cũng trồng chuối. Có nhà trồng hàng mấy sào để bán với số lượng lớn, cũng có nhà không trồng để bán, nhưng nhất định phải trồng một vài cây chuối Laba trong vườn để ăn. Loại chuối này rất “lành” ai ăn cũng được, ăn lúc nào cũng tốt, nó không kiêng cự với bệnh gì hết. Hơn nữa, giá trị dinh dưỡng của nó rất cao, ăn dăm ba quả chuối là bằng cả ký nho đấy”.

Chuối Laba cho thu hoạch quả quanh năm. Ngày nay, người ta ít nhân giống bằng cây con, những hộ gia đình trồng theo quy mô lớn sử dụng cây con bằng cách nuôi cấy mô, đảm bảo sạch bệnh, còn những hộ gia đình trồng ít để ăn thì có thể tách cây con từ cây mẹ, nhưng dù chọn giống bằng cách nào thì hương vị và sản lượng của chúng vẫn như nhau.
 
Chuối Laba ngày nay được trồng theo hướng công nghệ cao cho hình dáng và chất lượng tốt hơn. Ảnh: Mai Vinh
Chuối Laba ngày nay được trồng theo
hướng công nghệ cao cho hình dáng và
chất lượng tốt hơn. Ảnh: Mai Vinh

Đến với Lâm Đồng du khách có thể tìm mua chuối Laba dễ dàng ngay tại các chợ trong nội thành với giá từ 10.000đ-15.000đ/kg. Nếu chịu khó đi xa hơn về các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, để mục sở thị nhiều điều về loài cây này ngay tại những vườn chuối thì du khách sẽ được chủ vườn mời thỏa sức nếm thử và mua đem về với giá chỉ từ 5.000đ-7.000đ/kg.

Đứng giữa vườn chuối trĩu quả, đủ làm ta thấy xôn xao. Thoáng thấy mùi hương dịu dàng lan tỏa trong không gian là biết sắc vàng đang căng dần mỗi trái chuối. Khi bóc ăn một quả chuối sẽ nhận được đầy đủ vị thơm đậm đà hơn như sự quấn quýt của mùi nắng, mùi mưa, của giọt mồ hôi người nông dân và tinh túy của cả vùng đất Laba Lâm Đồng.
Theo baolamdong.vn

Có thể bạn quan tâm