Đọt choại Hậu Giang ngon khó quên

Đọt choại Hậu Giang ngon khó quên
Bình dị đọt choại

Choại có nhiều loại, dựa vào đặc điểm và môi trường sống của nó mà người ta gọi bằng những cái tên khác nhau: Choại đá, choại vườn, choại rừng... Tất cả các loại rau choại trên đều ăn được, tuy nhiên mỗi loại lại có những mùi vị riêng.

Đọt choại Hậu Giang ngon khó quên ảnh 1
Đọt choại thuộc họ dương xỉ, có hình dáng rất lạ mắt.

Rau choại đá toàn thân có màu xanh đọt chuối, mọc thành bụi, lá già to trông tựa lá dương xỉ, ăn có vị chát, đắng. Trước đây, trong quá trình khai hoang lập nghiệp, người dân bám trụ ở khu vực Đồng Tháp Mười ít có điều kiện giao thương với bên ngoài, những ngày hết lương thực, thực phẩm, họ phải hái đọt non của rau choại đá để ăn thay thế. Vì nó rất chát và đắng, nên phải luộc sơ qua nước sôi, vớt ra rổ để ráo trước khi chế biến thành món ăn khác. Với vị chát đặc trưng của rau choại đá, người ta thường dùng nó để nấu canh chua với cá rô đồng, cơm mẻ. Và kỳ lạ thay, cái vị đắng của nó chốc lát lẫn trong vị ngọt của thịt cá tạo thành một vị ngon đặc biệt hấp dẫn. Vào mùa cá rô đồng đang mang trứng thì lại càng tuyệt! Trứng cá rô đồng thơm, bùi, vàng ươm nổi lên mặt bát canh chua, xen lẫn với vài cọng ngò... Chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngon rồi.

Rau choại rừng là loại rau rất ít khi được bày bán ở ngoài chợ dù đó là loại rau phổ biến nhất trong các loại rau cùng họ. Rau choại rừng toàn thân và lá đều có màu xanh nhạt pha lẫn chút hồng, lá non có màu hồng thẫm, tất cả các bộ phận của cây choại rừng đều dùng được trừ những lá già. Người dân vùng Đồng Tháp Mười thường chọn những dây choại già, cắt thành đoạn tùy ý, đem về phơi khô bó lại thành bó để dành. Những người chuyên làm nghề cá, dây choại là bạn đồng hành của họ khi cần để bện lợp, đăng, đó... Dây choại còn dùng để làm lạt, buộc lại cái kèo, đòn tay trong căn nhà tre, gỗ đơn sơ.

Đọt choại Hậu Giang ngon khó quên ảnh 2
Món đọt choại xào.

Choại vườn thì khác hơn một chút. Rau choại vườn có thân cao, to, thường mọc chen chúc theo những bụi tre gai, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, thích nghi ở những vùng nước ngọt, nhiễm phèn nhẹ. Đọt rau choại vườn mập mạp, vị ngọt, ăn rất giòn và thơm, rất hiếm gặp nên không được bày bán ở ngoài chợ như rau choại rừng.

Món ngon dân dã

Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là đọt choại xào. Bởi sự dân dã, bình dị, mang đậm nét quê nên đọt choại được các bà nội trợ miệt vườn chế biến thành rất nhiều món rất đa dạng không chỉ làm hấp dẫn cho bữa cơm gia đình mà còn không thể thiếu trong ẩm thực Hậu Giang.

Món đọt choại có thể ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon. Luộc đọt choại xong đừng quên giữ lại nước. Nước này dằn chút muối, bột ngọt sẽ trở thành món canh nóng hấp dẫn, ấm bụng sau bữa cơm thú vị. Nhưng thích hơn cả là khi ăn sống hoặc luộc đọt choại kèm với cá thác lác cườm đặc sản Hậu Giang chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ vô cùng thích thú.

Đọt choại Hậu Giang ngon khó quên ảnh 3
Món đọt choại có thể ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon.
Khi ăn đọt choại bạn sẽ cảm nhận được độ giòn mềm làm giảm sức nóng miếng cá chiên, quyện trong nước bọt tạo thành những hương vị lạ lùng khó diễn tả. “Cao cấp” hơn một chút, người ta dùng đọt choại xào tép. Lựa một mớ tép bạc rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon, bổ, rẻ và an toàn, vì đọt choại là “rau sạch”.
Ái Vy (Theo langvietonline.vn)

Có thể bạn quan tâm