Đậm đà thịt mắm cơm đỏ của người Tày

Đậm đà thịt mắm cơm đỏ của người Tày
Nét ẩm thực của người Tày ở Yên Bái khá đơn giản, như cơm lam, măng chua nấu cá, thịt gà, vịt bầu Lục Yên, trâu nướng chấm với ớt khô, uống với  rượu chuối, rượu gấc, rượu ngô và rượu mật ong... Cùng với đó là các loại bánh khẩu thuy, bánh gio, bánh ngải.

Bà con người Tày có rất nhiều cách chế các món ăn từ mắn thịt lợn nhưng có một món ăn không thể không nhắc đến – Thịt mắm cơm đỏ. Vị béo ngậy của thịt, chua cay của giềng ăn với bát cơm trắng thơm lừng của cơm gạo mới, mà chỉ một lần được thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ có những dư vị khó quên.

Nguyên liệu đơn giản, cách làm cũng rất đơn giản. Cây cơm đỏ rửa sạch, phơi qua nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Thịt ba chỉ làm sạch, thái nhỏ bằng 2 ngón tay ướp muối. Thịt được đổ vào chum trộn đều với củ giềng thái chỉ, một ít rau răm, cây cơm đỏ thái nhỏ và rượu nếp cái thơm rồi buộc thật kín bằng ni lông. Trước đó, họ đã chuẩn bị loại gạo nếp thơm ngon nhất, nấu thành cơm nếp rồi ủ bằng men lá được làm từ các loại lá cây rừng. Khi nếp cái đã lên men có thể ăn được là lúc có thể dùng làm nguyên liệu.

Đậm đà thịt mắm cơm đỏ của người Tày ảnh 1
Thịt mắm cơm đỏ được chế biến từ nguyên liệu chính là thịt lợn

Khoảng chừng 5 đến 6 ngày sau món thịt mắm chín vừa tới, mở chum mùi thơm đã sực nức lúc thịt mắm đã ăn được. Lúc này những miếng thịt mắm đã săn lại có màu đỏ tươi, điểm những sợi giềng thái nhỏ màu vàng, xen lẫn màu xanh của rau răm trông rất hẫn dẫn.

Theo kinh nghiệm của người làm lâu năm, nên làm chum vừa phải, một chum chỉ mở một lần rồi đậy kín, lấy ra đến đâu ăn dần hết đến đấy rồi buộc chặt mới bảo quản được, nếu mở ra nhiều sẽ cay và không còn vị ngọt. Bảo quản kỹ, món thịt nắm cơm đỏ có thể để được khoảng 5, 6 tháng.

Món thịt mắm cơm đỏ múc từ trong chum ra, ăn liền nhưng nước thịt mắm có thể chưng lên làm nước chấm có hương vị hơi giống mắm tép, rất thơm ngon. Trong mâm cơm của người Tày ở Lục Yên, món thịt cơm mắm đỏ nổi bật lên trông thật hấp dẫn. Đưa miếng thịt mắm lên thưởng thức, ta vừa thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, miếng thịt mềm, hơi ngậy nhưng lại không ngấy.

Ngoài món thịt mắm cơm đỏ thì nếu có dịp lên Yên Bái, đừng quên rẽ vào xã La Bán Tẩn, nằm cách thị trấn Mù Cang Chải tầm 26 km, để thưởng thức loại rượu thơm ngon có tiếng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, đó chính là  đặc sản rượu thóc.

Theo các già làng người Mông xã La Pán Tẩn kể lại, thì từ lâu lắm rồi đã thấy người Mông làm thứ rượu thóc quý này. Muốn có được loại rượu ngon thì ngoài thóc nương, một số các nguyên liệu không thể thiếu khác là men lá gia truyền và nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về.

Quá trình sản xuất rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền. Cứ 50 kg thóc thì chưng cất được khoảng 20 lít rượu. Rượu nấu ra có nồng độ từ 47-50 độ. Tuy có nồng độ cao, nhưng điều đặc biệt là rượu thóc La Pán Tẩn có vị êm say, thơm, ngọt, dễ uống.

Và hãy thử một lần lên đây, ăn thịt mắm cơm đỏ, nhấp chén rượu thóc của bà con người Mông ở La Pán Tẩn, chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thật khó quên.
Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm