Tục "ngủ mèo" trước hôn nhân của người Chơ ro

Tục "ngủ mèo" trước hôn nhân của người Chơ ro
Với người Chơ ro, tục "ngủ mèo" không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây.

Từ xưa đến nay, người Chơ ro kết hôn dựa trên sự tự do yêu đương giữa những người ngoài dòng họ.
 
Vào những đêm trăng thanh gió mát, những ngày cúng thần lúa, thần rừng, ngày cưới của bạn bè trong tiếng công chiêng bên bếp lửa, những đôi trai gái trong làng lại có dịp giao lưu, tìm hiểu rồi bén duyên với nhau. Khi có tình cảm với nhau, chàng trai hẹn hò với cô gái và ngủ cùng cô gái vào ban đêm. Những đêm chàng trai ngủ chung bên cạnh cô gái trước khi cưới người Chơ ro gọi là tục "ngủ mèo".
 
Khi chàng trai đến nhà cô gái, chàng trai thường ra hiệu để cô gái biết và xuống đón lên nhà. Tín hiệu thường là roi mây chọc vào phần sàn cô gái nằm ngủ hay lá cỏ tranh luồn qua khe sàn. Nếu cô gái đồng ý sẽ rút hoặc roi mây lên và xuống đưa chàng trai lên nhà cùng nhau tâm tình đến sáng. Cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng làm ngơ vì họ tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là ý trời.

Một điều đặc biệt là không phải ngẫu nhiên roi mây được chọn làm tín hiệu. Người Chơ ro quan niệm: Vì thời gian hẹn hò vào ban đêm, nên thanh niên thường sử dụng roi mây, vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí. Khi đi đường chàng trai quay roi mây tạo ra tiếng động “vun vút” trong gió nhằm xua các loại thú dữ. Vì thế, với người Chơ ro, roi mây không chỉ là một loại vũ khí khiến nhiều thú dữ phải sợ mà những tiếng vun vút của nó là tín hiệu của tình yêu.
 
Với người Chơ ro, tục "ngủ mèo" không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, gia đình cô gái chỉ chấp nhận chuyện “ngủ mèo” này nhiều nhất là ba lần.
 
Sau đêm thứ ba chàng trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.
 
Nếu trường hợp “ngủ mèo” diễn ra quá ba lần mà không thấy tràng trai đả động gì đến chuyện cưới xin thì gia đình cô gái sẽ theo dõi và giữ lại. Lúc đó, gia đình cô gái qua bên nhà chàng trai, hỏi tế nhị, theo nghĩa bóng: “Hồi tối không biết con trâu nhà ai bị lạc, qua chuồng nhà tui.. Ông bà qua coi thử có phải con trâu của ông bà không?”. Nghe như vậy gia đình chàng trai hiểu ngay ý tứ của gia đình cô gái, nhờ bạn bè, láng giềng qua nhà cô gái thăm dò xem sự thực con trai của mình có ở đó không. Khi chắc chắn con mình ở đó, nhà chàng trai mang rượu qua nhà cô gái, đáp lời hỏi của nhà gái: “Đúng rồi, trâu nhà tôi bị lạc ở đây” và nhà trai tiến hành các thủ tục cho đôi trai gái cưới nhau. 
 
Trong cuộc sống, người Chơ ro đặc biệt coi trọng chuyên hôn nhân và có nhiều phong tục thấm đẫm nét văn hóa của những con người đại ngàn. Trong đó, "ngủ mèo" là một phong tục lạ thể hiện sự phóng khoáng, tự do trong tình yêu nhưng vẫn đầy văn hóa, nhân văn.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn
Dân tộc Chơ Ro Dân tộc Chơ Ro

Tên gọi khác: Châu Ro, Dơ Ro, Chro, Thượng.

Dân số: 26.855 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Họ là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Ðông Dương.

Hoạt động sản xuất: Người Chơ Ro chủ yếu làm rẫy, canh tác theo lối phát đốt rồi chọc lỗ tra hạt. Cách phân bố các loại cây trồng trên rẫy khá độc đáo. Vòng ngoài cùng của rẫy thì trồng một số loại cây dây leo như: bầu, bí, mướp, đậu ván... vòng trong trồng sắn. Toàn bộ diện tích còn lại phía trong là trồng lúa có xen canh vừng. Hiện nay, ngoài lúa rẫy, một số nơi đã làm ruộng nước có trâu cày. Việc săn bắn, hái lượm thường tập trung vào thời gian nông nhàn (khoảng tháng 6, 7 âm lịch). Nghề làm vườn, chăn nuôi trong gia đình và thủ công nghiệp chưa phát triển. Chỉ có nghề đan lát bằng tre, mây nứa là phổ biến. Trước đây một số người Chơ Ro đã là phu đồn điền nhưng chỉ với tư cách là những thợ rừng, họ vẫn có rẫy để canh tác.

Ăn: Người Chơ Ro ăn cơm tẻ là chính, hút thuốc lá sợi bằng tẩu. Thức uống có rượu cần. Nam nữ đều ưa thích ăn trầu cau.

Mặc: Xa xưa đàn ông đóng khố, đàn bà quấn váy tấm. Mùa hè ở trần hay mặc áo cánh ngắn, mùa lạnh thường khoác trên mình một tấm chăn. Nhưng ngày nay, đại đa số người Chơ Ro đã ăn mặc theo lối của người Việt cùng địa phương. Ðiều mà khách qua đường có thể nhận biết được người Chơ Ro là họ thường cõng trên lưng một cái gùi. Ðàn bà thường đeo ở cổ những chuỗi hạt cườm ngũ sắc hoặc vòng đồng, vòng bạc hay nhôm. Thiếu nữ thường mang kiềng, dây chuyền và đeo vòng tai rộng vành.

: Hiện nay, người Chơ Ro sống tập trung ở vùng núi thấp thuộc tây nam và đông nam tỉnh Ðồng Nai. Nơi có số người Chơ Ro cư trú nhiều nhất là các xã: Xuân Bình, Xuân Trường, Xuân Thọ, Xuân Phú thuộc huyện Xuân Lộc; rồi thứ đến là các xã Hắc Dịch, Phước Thái, Ngãi Dao, Bàu Lâm thuộc huyện Châu Thành. Rải rác tại Sông Bé (tỉnh Sông Bé từ năm 1997 đã được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước) và Bà Rịa, ven quốc lộ 15 cũng có một số gia đình Chơ Ro sinh sống. Trước khi có mặt tại những địa điểm nói trên, họ đã từng cư trú chủ yếu tại Bà Rịa - Long Khánh. Từ giữa thế kỉ XX trở lại đây, người Chơ Ro tiếp thu ngày càng mạnh mẽ văn hoá - nếp sống của người Việt ở miền Ðông Nam bộ. Trước đây, họ ở trên những ngôi nhà sàn cao, cửa ra vào mở ở đầu hồi. Ðến nay phổ biến ở nhà đất. Họ đã tiếp thu lối kiến trúc nhà cửa người nông dân Nam bộ: nhà có vì kèo. Nét xưa còn giữ được trong ngôi nhà là cái sạp nằm, chiếm nửa diện tích theo chiều ngang và dài suốt từ đầu đến cuối phần nội thất. Một số nhà có tường xây, mái ngói.

Phương tiện vận chuyển: Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Chơ Ro là cái gùi đan bằng tre, mây, cõng ở trên lưng.

Quan hệ xã hội: Trong cơ cấu xã hội Chơ Ro, các quan hệ của gia đình mẫu hệ đã tan rã nhưng quan hệ của gia đình phụ hệ chưa xác lập được. Tính chất gia đình song phương có nhiều biểu hiện, quyền thừa kế tài sản vẫn thuộc về người con gái. Trong gia đình, nữ giới vẫn được nể vì hơn nam giới. Xã hội mới manh nha có sự phân hoá về tài sản. Trong một làng gồm có nhiều dòng họ cùng cư trú.

Cưới xin: Việc lấy chồng, lấy vợ của người Chơ Ro tồn tại cả hai hình thức: nhà trai đi hỏi vợ hoặc nhà gái đi hỏi chồng. Hôn lễ tổ chức tại nhà gái, sau lễ thành hôn thì cư trú phía nhà vợ, sau vài năm sẽ dựng nhà ra ở riêng.

Ma chay: Người Chơ Ro theo tập quán thổ táng. Mộ phần được đắp cao lên theo hình bán cầu. Trong 3 ngày đầu, người ra gọi hồn người chết về ăn cơm; sau đó là lễ "mở cửa mả" với 100 ngày cúng cơm. Tập quán dùng vàng mã đã xuất hiện trong tang lễ của người Chơ Ro và hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người ta đi tảo mộ như người Việt ở địa phương.

Nhà mới: Lễ khánh thành nhà mới luôn là dịp chia vui giữa gia chủ với dòng họ và buôn làng.

Lễ tết: Ngày cúng thần lúa là dịp lễ trọng hàng năm. Các loại bánh như: bánh tét, bánh ống và bánh giầy trộn vừng được mọi nhà chế biến để ăn mừng và tiếp khách. Lễ cúng thần rừng được tổ chức như một dịp hội làng và hiện nay, cứ 3 năm một lần nghi lễ này lại được tổ chức trọng thể.

Lịch: Người Chơ Ro cũng có nông lịch riêng theo chu kỳ canh tác rẫy và căn cứ vào tuần trăng.

Học: Xã hội truyền thống Chơ Ro chưa có chữ viết. Việc học hành truyền bá kiến thức cho thế hệ sau theo lối truyền khẩu.

Văn nghệ: Vốn văn nghệ dân gian chỉ còn một vài điệu hát đối đáp trong những dịp lễ hội, họ cất lên lời khẩn cầu Thần lúa và hiện nay rất ít người biết đến. Nhạc cụ đáng lưu ý đến là bộ chiêng đồng 7 chiếc gồm 4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn. Ngoài ra, đàn ống tre, sáo dọc còn thường thấy ở vùng núi Châu Thành.

Chơi: Trẻ em thích chơi kéo co, cướp cành lá, bịt mắt bắt nhau, thả diều và đánh cù.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm