Tục đâm đuống của người Mường đất Tổ

Tục đâm đuống của người Mường đất Tổ
Cối giã gạo làm bằng thân cây gỗ lớn, hình thuyền, chày giã dài như đòn gánh, giữa thân thon để vừa tay cầm. Đâm đuống là giã gạo chày tay vào cối đuống và chỉ do phụ nữ biểu diễn. Mở đầu là người phụ nữ nhiều tuổi nhất trong gia đình đứng ở đầu cối, giã khai mạc gọi là chày "cái". Tiếp đó là con gái, cháu gái trong nhà giã gọi là các "chày con", "chày cháu". Theo nhịp tay đâm đuống nhanh hay chậm mà tiếng chày chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau như "Kênh kình, kênh kình" hay "kênh kênh kình, kênh kình", "kình kình, kình kình"… tiếng giã tạo nên bản hòa tấu, như những khúc nhạc vui tai kết hợp với động tác múa đơn giản mà đẹp mắt.
Một hội thi đâm đuống của người Mường
Một hội thi đâm đuống của người Mường 

Tục đâm đuống của đồng bào Mường Phú Thọ là một tập tục đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết giữa mọi người trong bản. Ngày nay, đâm đuống được đồng bào Mường ở các huyện:Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập biểu diễn trong các lễ hội mùa xuân, Lễ hội Đền Hùng và những ngày hội của bản Mường.

Khu Xuân 1, xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ)) là nơi còn giữ được 1 chiếc đuống cổ nhất vùng mà nhiều đời nay người dân trong khu vẫn duy trì đâm đuống theo nghi lễ truyền thống vào ngày mùng 4 tết hàng năm. Người dân nơi đây đã để lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường trong đó có tục đâm đuống. Với niềm say mê và tình yêu dành cho vốn văn hóa cổ của dân tộc, sau những ngày lao động vất vả, những người phụ nữ Mường ở Thu Ngạc lại cùng nhau luyện tập, biểu diễn chàm đuống bên nếp nhà sàn, truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.
Tiếng đuống reo vui, rộn ràng
Tiếng đuống reo vui, rộn ràng
Ở Thanh Sơn (Phú Thọ), trong các lễ hội truyền thống và ngày lễ kỷ niệm ở địa phương, cùng với cồng chiêng, đâm đuống được coi là một trong những tiết mục không thể thiếu trong ngày hội, đối tượng tham gia biểu diễn cũng được mở rộng hơn, trước đây đâm đuống chỉ giành cho phụ nữ còn hiện nay, nam giới hay du khách đều có thể tham gia đâm đuống để góp phần lưu giữ và phổ biến nét văn hóa của xứ Mường.

Với sự trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ của đồng bào Mường ngày nay, tục đâm đuống cùng với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Mường sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị trên quê hương đất Tổ.
 
Nguyên An (Theobaophutho.vn)

Có thể bạn quan tâm