Thăm người Brâu ở làng Đak Mế

Thăm người Brâu ở làng Đak Mế
Trái ngược với những mường tượng ban đầu, làng của người Brâu không hoang vu, nơi thâm sơn cùng cốc mà san sát những mái nhà theo kiểu hình tam giác tại nơi “một con gà gáy ba nước cùng nghe”.

Tộc người bé nhỏ

Trong câu chuyện của vị Trưởng thôn được cho là “học hành cao nhất làng” (hết lớp 2), già Thao Lợi kể về hành trình của người Brâu bám trụ biên giới. Có giai đoạn tưởng chừng như dân tộc ấy sẽ mãi mãi biến mất trong lặng lẽ.
 
Nhà rông của người Brâu ở Kon Tum. Ảnh: B.D
Nhà rông của người Brâu ở Kon Tum. Ảnh: B.D

Trưởng thôn Thao Lợi cho biết: Trước đây người Brâu ở bên kia biên giới đều là ruột rà máu mủ của người Brâu ở làng Đak Mế thuộc xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bây giờ. Lý do là những năm 1950, toàn bộ người Brâu sống ở một ngôi làng cạnh suối Đak Mế-được xem là làng Đak Mế cũ. Thế rồi những năm chiến tranh, rồi những lần làng loạn lạc mất nhau trong những vụ cháy làng bí ẩn, người Brâu lạc mất nhau. Kẻ xuôi về chân núi ở Bờ Y, người ngược lên miền thượng Lào, người lại qua Campuchia sinh sống. Năm 1975, người Brâu tan rã và chỉ còn lại khoảng 150 hộ tiếp tục bám trụ lại Đak Mế.

Thấy người Brâu sống trong hang sâu, núi hiểm, quanh năm u tối nên năm 1976 một cuộc di dân ra “vùng sáng” được Nhà nước triển khai. 150 hộ dân với khoảng 400 người đã được đưa về Đak Mế bây giờ để ổn định cuộc sống. Già Thao Lợi nói thêm, ngay cả khi về đến làng mới người Brâu vẫn tiếp tục mất dần. Tính cách của người Brâu như con thú hoang, cứ thích di chuyển mãi chứ chẳng chịu ở yên một chỗ. Đến năm 1990, số phận dân tộc Brâu đứng trước nguy cơ xóa sổ khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam thật sự khi chỉ còn lại 40 hộ với ngót nghét 100 nhân khẩu.

Theo các tài liệu thì cho đến nay, tộc người Brâu tại Việt Nam chỉ có khoảng chưa đến 400 người. Người Brâu không chỉ bé nhỏ về quy mô làng mạc, số người giữa đại ngàn các dân tộc hùng mạnh ở Tây Nguyên như Jrai, Bahnar, Ê Đê… mà còn bé nhỏ đúng theo nghĩa đen: đàn ông, phụ nữ hầu như không có ai cao lớn. Trưởng thôn Thao Lợi cũng y hệt như thế. Ông đi mà có cảm giác như vóc người ấy nhỏ đến nỗi không đủ để tạo một cái bóng. Thao Lợi nói vui rằng, đồng bào của ông vóc dáng nhỏ nhắn một phần là do người Brâu khổ từ ngày xưa, phần khác cũng là “cho dễ luồn lách, đi lại” nơi núi rừng thăm thẳm.

Ngày tàn của “nữ vương”

Xế chiều, theo bước chân của người làng, chúng tôi đi dọc vào làng để thăm một nhân vật đặc biệt, một người phụ nữ có quyền uy và từng được xem là giàu có nhất làng: Nàng Bu. Nghe qua “Nàng Bu”, cứ ngỡ người phụ nữ ấy đang còn tuổi xuân xanh, mái tóc còn đen và đẹp lộng lẫy như một cô sơn nữ giữa đại ngàn. Nhưng thật ngạc nhiên, người phụ nữ trước mắt chúng tôi là một… bà cụ ngồi ho lụ sụ trong góc giường. Bà cũng không vương giả mà ngược lại đang sống những ngày cuối đời trong cảnh bần hàn, trong một túp lều thưng bằng những thanh củi khô. Giữa cái nắng cuối ngày, hơi khói từ bếp phả ra khắp túp lều. Nàng Bu cay mắt, cố dụi cái mắt vốn đã lèm nhèm vào tấm chăn cũ, thỉnh thoảng lại ho lên mấy tiếng. Thấy người lạ bước vào Nàng cố gượng dậy để nhìn nhưng càng nhìn lại càng chói, Bu đành nằm xuống chiếc giường ọp ẹp và miệng không ngớt đòi hút thuốc.

Tại sao một người phụ nữ trên 100 tuổi, lụ khụ rồi vẫn được gọi là nàng? Những người phụ nữ ngồi quanh Nàng Bu nghe xong liền cười chao đảo, ngã cả ra nền đất. Hóa ra Nàng là cách để phân biệt giữa người nam và người nữ, cũng giống như “Thị” của người miền xuôi: con gái thì tên đệm là Nàng rồi mới đến tên; còn con trai thì tên đệm là Thao.

Trong tất cả người làng Brâu ở xứ sở này, nói đến Nàng Bu ai cũng kiêng nể. Nàng Bu trong ký ức của người làng là người phụ nữ cực kỳ giàu có. Người làng kể rằng ngày xưa khi ở làng cũ, Nàng Bu giàu đến nỗi cứ đi qua đi về các nước mỗi ngày như con chim chơ-rao có cái cánh để bay khắp núi rừng. Nàng Bu chẳng thèm lấy chồng mà ở vậy, trên đôi tai của Nàng trĩu nặng những chiếc vòng được đẽo bằng ngà voi-một chiếc vòng như thế đổi được 4 con trâu. Vòng khuyên tai Nàng Bu đeo nhiều và nặng đến nỗi cho đến cả bây giờ cặp dái tai của Nàng đã sệ xuống và khoét thành một lỗ to đùng, nặng như có cục chì kéo xuống. Nàng Bu cũng là người có hình xăm nhiều nhất, cái cổ dài nhất. Người Brâu quan niệm rằng, hình xăm trên cơ thể thể hiện sự uy quyền, giàu có. Còn vòng đeo cổ làm cho cổ người con gái cao lên, đầy vẻ đài các. Hình xăm càng nhiều, cổ càng dài và tai càng xệ thì chứng tỏ người đó càng giàu.

Một cuộc đời vương giả và quyền uy như thế giờ đã ngủ yên trong dĩ vãng. Nàng Bu của ngày xưa giờ đã về nằm yên trên chiếc giường ọp ẹp, suốt ngày nhụi khói toét cả mắt và nghèo như tất cả người Brâu khác ở Đak Mế. Chúng tôi cố hỏi chuyện, nhưng Nàng không nói được, chỉ ú ớ đòi hút thuốc. Mỗi khi Nàng cố nhấc đầu dậy để đòi thuốc thì ngay lập tức có hai ba người phụ nữ ngồi kế bên túc trực vo tròn mớ thuốc lá tươi nhét vào miệng tẩu cho Bu. Nàng rít thuốc, hà hơi rồi lại nằm chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng một vài lần trong ngày, có thầy cúng ở đâu được đưa đến dùng cây gậy đo ngang khuỷu tay rồi đập đập xuống đất ngồi bên Nàng Bu lẩm bẩm mấy câu gì đó rồi đặt cây gậy vào người cho Bu. Theo người dân nơi đây kể, đó là vị thầy cúng bao nhiêu năm nay được giao nhiệm vụ canh con ma rừng để nó không làm hại Bu, ngồi đọc những bài cúng xin Yàng núi cầu cho Bu ở lại mãi với người làng Đak Mế…
TTXVN

Có thể bạn quan tâm