Tết mưa độc đáo của người Hà Nhì ở Lai Châu

Tết mưa độc đáo của người Hà Nhì ở Lai Châu
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì ở Lai Châu
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì ở Lai Châu

Người Hà Nhì ở Mường Tè có nhiều phong tục đặc sắc, trong đó có Tết mùa mưa – một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền. Tết mùa mưa hay còn gọi là Dlé k’hù trà được tổ chức định kỳ vào tháng 6 Âm lịch hàng năm khi cây lúa đã vào thì con gái. Ngày khai lễ bao giờ cũng là ngày Hợi đầu tiên trong tháng.

Trước Tết 3 - 4 ngày, các gia đình lo chuẩn bị gạo, rượu, thịt, quần áo mới. Đám thanh niên và những người già am hiểu lý lẽ lo dựng các cây đu, bập bênh, dọn dẹp và chỉnh trang bãi hội ở bãi đất trống giữa bản.

Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng 2 cây đu là đu lăng (a gừ gừ xú), đu quay (a gừ gừ pu) và 2 cái bập bênh là bập bênh lên xuống (a chú), bập bênh quay (a chú chú pu). Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.

Trong thời gian ấy, một số người đàn ông trong bản cũng chuẩn bị cho mình những cặp cà kheo thật tốt để thi thố tài nghệ trong dịp Tết. Đám thanh thiếu niên cũng có các trò chơi riêng của mình trong những ngày Tết mùa mưa. Đó là trò đánh cù truyền thống.

Ngày đầu tiên của Tết mùa mưa, nhà nào cũng dậy sớm đun nước, mổ lợn. Mâm cúng tổ tiên ngày Tết ngoài thịt lợn còn có rượu, trà, mía, chuối và hoa mào gà… Sau lễ cúng, đồ lễ được để nguyên vị trong suốt ngày hôm đó. Con cháu trong dòng họ (3 đời) trong ngày hôm ấy về lạy tổ tiên xong đều ăn 1 - 2 miếng để “xin lộc” cầu may.

Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ. Chủ nhà thể hiện sự hào phóng của mình bằng mâm rượu thịt đầy ắp. Khi rượu đã ngấm, mọi người trong mâm cùng nắm tay thành vòng tròn. Chủ nhà dõng dạc hô to lời cầu chúc tốt lành tới ba lớp người, ba lứa lương thực và ba lứa vật nuôi. Mọi người hưởng ứng bằng ba tiếng “Sơ” quen thuộc.

Suốt từ chiều đến tận đêm khuya hôm ấy, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu nồng sóng sánh trên tay chủ và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng bền vững.
Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ.
Bữa liên hoan trong ngày đầu tiên của Tết mùa mưa vui vẻ và ấm cúng bởi nó là bữa ăn có sự sum họp của cả gia đình và nhiều con cháu trong dòng họ

Ngày thứ hai của Tết mùa mưa là ngày khai hội. Chủ lễ là vị chức sắc to nhất trong cộng đồng. Ngoài ra, người ta còn phải lựa chọn một cặp vợ chồng cao niên, song toàn, khỏe mạnh, con cháu đề huề để khởi sự các trò chơi. Đến giờ lành, ông chủ lễ dẫn cặp cao niên và cộng đồng dân bản đi làm lý khởi sự từng trò chơi.

Đồ lễ gồm có rượu, trà, vải trắng, tiền, vòng bạc, quả trứng, gạo và vài nhành lá, bông hoa của núi rừng... Ông chủ lễ trịnh trọng khấn thần tai nạn Lồ Núy, thần tay khỏe Lạ Tò xin cho những người chơi được an toàn, dù có đu thật cao, bật thật khỏe cũng không ai bị ngã, không ai bị thương.

Trong bãi hội, môn đu lăng luôn thu hút những đôi trai gái có tình ý với nhau. Ngày thường, họ ít khi được mặt chạm mặt, vai kề vai vì luật tục cộng đồng không cho phép, nhưng trong những ngày này hành động ấy được khuyến khích. Ở một bãi chơi khác đang diễn ra các môn chơi ngày thường. Đó là trò chơi cù, chơi cà kheo vẫn thường được trẻ chơi mỗi khi đi chăn trâu gần bản từ sau vụ gieo trồng nhưng trong ngày này, những trò ấy vui hơn vì có sự tham gia của người lớn, của cả những vị khách từ các bản khác đến chúc tết bạn bè, họ hàng chung vui. Những thiếu nữ bạo dạn cũng hăng hái trổ tài đánh cù với cánh đàn ông con trai.

Tối đến, sau bữa cơm thân mật của các gia đình, mọi người lại nhanh chóng tề tựu ở bãi hội để cùng vui đêm xòe. Thanh niên xếp một đống củi lớn giữa bãi. Ông chủ lễ trịnh trọng làm lý với trống, chiêng để cho tiếng trống thật dền, tiếng chiêng thật lảnh, đêm xòe thật vui.
Hội vui cứ thế tiếp diễn cho đến hết ngày thứ năm. Ngày cuối cùng, các gia đình làm lễ cúng hồn lúa. Gia chủ chủ trì nghi lễ cúng. Đàn lễ được dựng bên nương lúa của gia đình. Đồ lễ có rượu, gà, chà, nước... Chủ lễ đứng trước đàn lễ khấn xin trời cho mưa xuống cho tràn các triền ruộng, tưới ướt các mảnh nương. Xin cho cây lúa khỏe mạnh, không cho sâu bệnh, đừng để thiên tai…
 
Theo http dantocviet.cinet.gov.vn

Có thể bạn quan tâm