Tết "Khoăn vài" - Tết “tạ ơn” trâu, bò

Tết "Khoăn vài" - Tết “tạ ơn” trâu, bò
Người dân dùng sức kéo của trâu sản xuất nông nghiệp.
Người dân dùng sức kéo của trâu sản xuất nông nghiệp.

Theo quan niệm dân gian, con trâu, bò đồng hành cùng người nông dân cày bừa quanh năm vất vả, tạo ra hạt ngô, hạt thóc và các loại nông sản. Vì vậy, người nông dân đã dành một ngày riêng cho trâu, bò được nghỉ ngơi, chăm sóc tốt hơn so những ngày bình thường khác, gọi là Tết “Khoăn vài”.

Để chuẩn bị cho Tết "Khoăn vài", người dân đã nuôi vịt từ khoảng tháng 3 âm lịch. Vịt được nuôi trong 3 tháng là thời điểm thịt ngon nhất và được gọi là "pết so lộc" có nghĩa là vịt mùng Sáu. Người Tày - Nùng cho rằng, vịt sống thích nghi với các nguồn nước và cũng chính nguồn nước thuận lợi sẽ giúp cho các loại cây trồng phát triển tốt. Tết "Khoăn vài" có nét khác biệt so với những ngày tết khác, thường làm nhiều loại bánh, như: bánh chưng, “coóc mò”, đặc biệt là bánh "moọc vài" (tức là bánh trâu). Bánh trâu, gói bằng gạo nếp nhân thịt và đỗ xanh, phần đầu chiếc bánh tạo dáng hai đầu sừng, tượng trưng cho sức mạnh của con trâu, bò. Ngoài ra, nhà nào cũng tự làm bún để ăn trong ngày này. Đúng vào ngày Tết “Khoăn vài”, mọi người dậy sớm, quét dọn, chỉnh trang nhà cửa, bàn thờ rồi thịt vịt, chế biến các món ăn trang trọng đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Trong ngày này, mọi người không đi làm đồng, mà lo công việc thờ cúng, đến thăm thân, giao lưu hàng xóm... Mỗi năm chỉ có một lần, Tết “Khoăn vài” còn được coi là ngày hội của trẻ thơ, chúng háo hức nhận “nhiệm vụ” chăn trâu, bò. Trước khi thả trâu, bò ra đồng, trẻ con được người lớn chuẩn bị cho cơm nắm, đôi đùi vịt to béo, bánh chưng, và thêm cặp lồng đựng canh bún, khi đến bãi chăn thả, nhóm trẻ góp phần ăn chung. Trong khi từng đàn trâu, bò nhởn nhơ gặm cỏ, lũ trẻ sẽ nô đùa, tắm mát dưới dòng sông, suối. Ngày Tết “Khoăn vài” trâu, bò được thả rất sớm và về chuồng muộn, kiêng kị không mắng chửi, đánh đập gia súc...

Ở mỗi gia đình, mâm cơm thờ cúng tổ tiên được đặt cả ngày, đến chiều tối, đưa mâm lễ ra sàn nhà hoặc ngoài hiên nhà để tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng trời đất, vạn vật, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, phù hộ cho mùa màng tươi tốt, không có sâu bệnh phá hoại... Tiếp đó, thủ tục quan trọng nhất là đưa mâm lễ chuyển đến chuồng trâu, bò để làm lễ tạ ơn. Mỗi con trâu, bò được ăn một cái bánh “coóc mò”, các cột của chuồng trâu, bò được dán giấy đỏ, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con người dành cho con trâu, bò. Cuối cùng, mâm lễ lại được đưa lên bàn thờ tổ tiên, kết thúc quá trình làm lễ tạ ơn trâu, bò, đồng thời cầu mong sức khỏe của mỗi thành viên trong gia đình, phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế.

Tết "Khoăn vài" là nét đẹp văn hóa truyền thống, là phong tục cần được gìn giữ và phát huy của người Tày - Nùng ở Cao Bằng.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm