Tết Đắp nọi của người Tày

Tết Đắp nọi của người Tày
Theo tiếng Tày, "đắp" ám chỉ ngày cuối cùng của tháng, kết thúc tháng, "vằn đắp" ám chỉ ngày 29 hoặc 30 âm lịch; "nọi" là ít, đối lập với nhiều. Tết Đắp nọi có thể hiểu là cái Tết nhỏ để kết thúc tháng Giêng. Tết Đắp nọi đến, các gia đình người Tày lại gói bánh chưng, làm bánh khảo, bánh chè lam, bánh sì chen bằng lá cây su mạ, cây nhả héo trộn với bột gạo nếp. Trong ngày này, các gia đình đều thịt gà, chuẩn bị thêm thịt lợn, cá và các loại thực phẩm khác cho bữa ăn. Trước đó, chủ nhà bày mâm cúng lên bàn thờ khấn trình báo tổ tiên: kết thúc tháng Giêng vào vụ mới, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. 

Tết Đắp nọi - tục 'ăn Tết lại' là nét đẹp văn hóa của người Tày. Ảnh: internet

Tết Đắp nọi - tục 'ăn Tết lại' là nét đẹp văn hóa của người Tày. Ảnh: internet


 
Tết Đắp nọi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là cái Tết đón những người thân không kịp về đoàn tụ với gia đình đón Tết Nguyên đán. Những người đi làm ăn xa, gặp nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống, không phải ai cũng về nhà đúng dịp Tết Nguyên đán để hội ngộ với gia đình, dòng họ. Sau một tháng vui xuân, cần được họp mặt, gặp gỡ từng thành viên gia đình; các bậc cao niên điểm lại trong tháng Tết, động viên mọi người phấn khởi hăng hái bước vào làm ăn trong thời gian tới. Đó cũng là thời điểm kết thúc Tết Nguyên đán, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, tinh thần bước vào trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, làm ăn trong năm mới. Tết Đắp nọi là thời khắc tiễn tháng Giêng đi qua, đón vụ mùa tới đầy hứng khởi, tự tin của người Tày, cầu mong cho mọi sự tốt lành, bình yên, "thuận buồm xuôi gió".
 
Tập quán Tết Đắp nọi của người Tày có từ khi nào, xuất xứ ra sao? Đến nay chưa ai biết chính xác, chưa có công trình nghiên cứu nào cắt nghĩa trọn vẹn điều này. Tuy nhiên, tương truyền sau khi nghe Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cấp báo quân Mãn Thanh sang xâm lược nước ta đã tới kinh thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã làm lễ đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung và nhanh chóng khởi binh thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc dẹp giặc ngoại xâm (ngày 25/11 năm Mậu Thân, tức ngày 22/12/1788). Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức ngày 15/1/1789, cả đại quân đã tới vùng Tam Điệp, Ninh Bình hội quân và úy lạo cho quân sỹ ăn Tết trước. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn tết ở Thăng Long. Với sức mạnh chính nghĩa trừ giặc xâm lăng, cứu nước Đại Việt, được muôn dân hết lòng ủng hộ và tài thao lược dụng binh của vị hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung, ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan tác 20 vạn quân Thanh, ghi dấu ấn đậm nét đại thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa, làm cho chúng rụng rời khiếp vía phải nhanh chóng kéo lê tàn quân về nước. Khải hoàn ca mùa xuân Kỷ Dậu của quân Tây Sơn đã đến sớm hơn 2 ngày trước dự tính. Chiến thắng lẫy lừng đã được trăm họ nghênh đón, mọi con dân đều hoan hỷ. Trước hào khí thắng trận, vua Quang Trung cho quân sỹ ăn Tết Nguyên đán với nhân dân vào mùa xuân Kỷ Dậu.

Từ đó trở đi, khi giặc dã hoành hành, quấy phá vùng biên cương và các miền đất nước, quan quân dưới triều Quang Trung - Nguyễn Huệ lại lên đường đi đánh giặc, giữ yên bờ cõi thiêng liêng của đất nước vào cả những dịp lễ, Tết. Các chiến binh vội vàng từ giã bản làng quê hương lên đường xông ra trận mạc không kịp ăn Tết cùng gia đình. Sau chiến thắng trở về, bà con dòng tộc thân thích mừng vui đón họ và tổ chức ăn Tết lại cho các chiến binh vào ngày 29 hoặc 30 tháng Giêng âm lịch. 

Cứ vào ngày 1/2 âm lịch, người dân làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lại tưng bừng ăn Tết lại. Ảnh: internet
Cứ vào ngày 1/2 âm lịch, người dân làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lại tưng bừng ăn Tết lại. 

Ảnh: internet


Tổ chức ăn Tết lại cho con em vì nhiệm vụ dẹp giặc bảo vệ sự bình yên cho đất nước là việc làm thấm đậm đạo lý nhân văn, rất đáng khích lệ. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã đi vào lòng dân và nhanh chóng trở thành phong tục tập quán của người Tày. Cũng vì lẽ đó, đến nay, nhiều hoạt động sau mùng 3 Tết Nguyên đán đã rầm rộ cho một năm mới, nhưng bà con dân tộc Tày vẫn không quên duy trì Tết Đắp nọi. Dù không đồng nhất với Tết Nguyên đán, nhưng Tết Đắp nọi như sự hoàn thiện, bổ sung thêm cho Tết Nguyên đán. Nếu ai đó không về đúng dịp Tết Nguyên đán thì chỉ cần về ăn Tết Đắp nọi để sum họp với gia đình là đã an lòng. 
 
Mặc dù còn cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu để nhận diện đầy đủ và chuẩn xác về Tết Đắp nọi, nhưng những gì đã có được với nội dung, ý nghĩa của nó, Đắp nọi trở thành cái Tết của dân tộc Tày mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm