Tết của đồng bào dân tộc Dao

Tết của đồng bào dân tộc Dao
Ông Chu Tuần Ngân, người Dao Tiền, ở thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dạy chữ cho các thanh niên người Dao
Ông Chu Tuần Ngân, người Dao Tiền, ở thôn Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) dạy chữ cho các thanh niên người Dao

Người Dao quan niệm, Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, dịp để báo với tổ tiên về những thành quả trong cả năm, cầu mong những điều tốt sẽ đến trong năm mới. Với lòng thành hướng về cội nguồn, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Lễ vật gồm có thịt lợn, thịt gà trống, báng chưng gù, bánh dày, rượu... Mỗi dịp Tết đến, các thầy tạo (thầy cúng), những già làng tổ chức dạy chữ nho đầu xuân cho thế hệ trẻ ngay tại nhà mình. Việc dạy chữ vừa thể hiện truyền thống hiếu học, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của những người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ để chữ viết, văn hóa của dân tộc mãi được gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó, các bản làng người Dao đều còn duy trì phong tục không chặt các cây to suốt trong dịp Tết.

Ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao Tiền, người uy tín của Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cho biết, trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm. Người Dao Tiền chuẩn bị bữa cơm tất niên cũng là những lễ vật để cúng tổ tiên trong cả dịp Tết. Nếu gia chủ không tự cúng không mời được thầy về cúng thì chỉ cần bày mâm cơm thắp hương lên bàn thờ trình báo với tổ tiên. Người Dao Tiền có tục “cúng nhà ngoại” vào ngày mồng 2 Tết, tức những gia chủ có bố, mẹ vợ đã mất thì để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn người đã sinh thành ra vợ mình. Gia chủ sẽ chuẩn bị mâm cơm, gồm những lễ vật như mâm cúng tổ tiên, tổ chức lễ cúng ở một góc nhà, xong rồi cả gia đình cùng liên hoan.
 
Phụ nữ Dao ở Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) gói bánh chưng Tết.
Phụ nữ Dao ở Bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) gói bánh chưng Tết.

Người Dao đỏ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Ngày cúng tất niên không nhất thiết là ngày 30 Tết mà có thể ngày nào đó trong tháng Chạp. Lễ cúng tất niên phải là thầy cúng cao tay, người có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ. Và mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà khỏe mạnh.

Ông Phàm Văn Phú, người Dao đỏ ở thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, sáng sớm ngày 30 Tết, cả nhà dậy sớm, đun nước sôi để thịt lợn. Đàn ông giúp nhau thịt lợn từ nhà này đến nhà khác, nếu chưa xong thì chiều lại tiếp tục. Tiếp đến là công việc quét dọn, chỉnh trang khuôn viên nhà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, làm bánh dày và hoàn thành trước lễ đón giao thừa. Bữa cơm trong đêm giao thừa được coi là ấm cúng nhất trong năm, có đầy đủ các thành viên trong gia đình và tổ chức ăn uống vui vẻ. Người lớn tuổi kể cho các con cháu những điều hay lẽ phải, các điển tích về nguồn cội dân tộc. Sáng sớm mồng 1 Tết, gia chủ sẽ dạy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây. Gia chủ sẽ thắp hương bên giếng, khe suối, bên các cây to, cây ăn quả quanh nhà với những lời khấn tạ ơn “các thần” đã ban cho nước uống, quả ngọt, bóng mát và che chở cho gia đình trong suốt thời gian qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Điều này thể hiện rất rõ quan niệm, mọi vật đều có thần linh ngự trị của đồng bào Dao. Người Dao đỏ sẽ dành cả dịp Tết để vui chơi, đến nhà nhau thăm hỏi chúc Tết. Đến ngày mồng 6 Tết, cả làng mới bắt đầu “khai quang”, tức buổi đi làm đầu tiên, ước mong mọi công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát đạt trong cả năm.

Mùa xuân các bản làng người Dao trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai cô gái. Các bà, các mẹ, các chị được diện những bộ váy áo truyền thống đi chơi Tết, cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian, những làn điệu páo dung say đắm lòng người. Đó là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay.

Theo lehoithanhtuyen.com.vn

Có thể bạn quan tâm