Tái hiện Lễ “Giải hạn – nối số” của đồng bào dân tộc Mông

Tái hiện Lễ “Giải hạn – nối số” của đồng bào dân tộc Mông
Đồng bào dân tộc Mông thường mời thầy cúng về làm Lễ giải hạn - nối số vào đầu năm mới. Ảnh: Hoàng Hải
Đồng bào dân tộc Mông thường mời thầy cúng về làm Lễ giải hạn - nối số vào đầu năm mới. Ảnh: Hoàng Hải 
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào dân tộc Mông quan niệm vạn vật hữu linh, đa thần, họ cho rằng đó là một lực lượng siêu nhiên, có mặt, ngự trị ở mọi lúc, mọi nơi. Vào những ngày đầu năm mới, người Mông lại mời Thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng đến giải hạn – nối số cho toàn thể gia đình mình với mong muốn cầu chúc cho một năm mới mạnh khỏe, an khang, làm ăn no đủ, mùa màng tốt tươi.
Sáng sớm, gia chủ mời thầy cúng đến nhà làm lễ, theo truyền thống, thầy cúng cắt giấy thành nhiều hình thù để làm lễ. Ảnh: Hoàng Tâm
Sáng sớm, gia chủ mời thầy cúng đến nhà làm lễ, theo truyền thống, thầy cúng cắt giấy thành nhiều hình thù để làm lễ. Ảnh: Hoàng Tâm
Để thực hiện nghi lễ “Giải hạn - nối số”, gia chủ sẽ đến nhờ thầy mo trong bản chọn ngày lành tháng tốt. Sau đó, họ chuẩn bị đầy đủ lễ vật gồm: gà luộc, gạo, rượu, thịt lợn đã được luộc chín cùng hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng mã, hương thắp. Đặc biệt là cây chuối non nối số với ý nghĩa tượng trưng cho sự trường sinh.
Thầy cúng làm lễ, gieo quẻ âm dương để mong thần linh phù hộ, che chở. Ảnh: Hoàng Tâm
Thầy cúng làm lễ, gieo quẻ âm dương để mong thần linh phù hộ, che chở.
Ảnh: Hoàng Tâm
Đến ngày lành, gia chủ mời họ hàng trong bản đến dự. Sáng sớm, thầy mo đến làm lễ. Thầy mo mặc trang phục của đồng bào dân tộc Mông màu chàm, đầu đội mũ nồi, mang theo: Sách chữ nho, chuông, bộ gieo quẻ âm dương, “cây phan” được cắt tỉ mỉ bằng giấy và một số vật dụng khác .
Thầy cúng làm lễ cho người được giải hạn - nối số. Ảnh: Hoàng Hải
Thầy cúng làm lễ cho người được giải hạn - nối số. Ảnh: Hoàng Hải 
Khi giờ tốt đến, thầy mo làm thủ tục xin quẻ âm dương, trời đất. Người được nối số và giải hạn sẽ được đưa ra để làm lễ. Thầy mo xướng các bài trong nghi lễ giải hạn và đi vòng quanh người được giải hạn (3 vòng) cầu mong thần linh phù hộ, bảo vệ và che chở. Cuối cùng, thầy mo sẽ gieo quẻ để mời các vị thần linh chấp lễ, nếu các vị hoan hỉ và chúc phúc sẽ được chứng giám bằng quẻ tốt lành. Kết thúc buổi lễ, gia chủ sẽ mời họ hàng, dân bản cùng thưởng thức những món ăn do chính gia đình mình chuẩn bị để cùng chung vui. Họ sẽ mang cây chuối non đi trồng ở vườn để mong cho cây trái tốt tươi, số mệnh của người được nối số sẽ bình an, mạnh khỏe.
Kết thúc buổi lễ, cây chuối non được mang trồng ở vườn nhà. Ảnh: Hoàng Tâm
Kết thúc buổi lễ, cây chuối non được mang trồng ở vườn nhà. Ảnh: Hoàng Tâm 
Nghi lễ giải hạn – nối số phản ánh rõ nét phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa của người Mông, đây là dịp củng cố mối quan hệ cộng đồng, với ước mong tổ tiên, thần linh chứng giám phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào, những điều tốt đẹp, may mắn, bình an.
                                                           Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm