Rộn ràng Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống

Rộn ràng Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống
Đồng bào dân tộc Cống cùng tham gia vòng xoè thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Đồng bào dân tộc Cống cùng tham gia vòng xoè thể hiện sự gắn kết
chặt chẽ của cộng đồng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Năm nay, tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nơi tập trung 53 hộ gia đình người Cống, đồng bào đón Tết to hơn mọi năm. Đón Tết Hoa, mọi người trong bản mặc những bộ áo quần truyền thống, trên tay cầm bông hoa mào gà hái trên nương đến nhà già làng để tham dự lễ hội. Trước đó để chuẩn bị đón Tết, cả bản nhộn nhịp hẳn lên, mỗi người mỗi việc. Mọi người dân trong bản Nậm Kè luôn chuẩn bị chu đáo áo quần mới, đồ cúng, các cô gái thì chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, còn các chàng trai thì tập luyện sức khỏe để so tài trong ngày hội. 

Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà thầy cúng với lễ cầu thần linh, xua đuổi tà ma. Các lễ vật dâng lên để cúng gồm có sắn, khoai, xôi, gà, lợn, rượu, cá … và không thể thiếu hoa mào gà (tiếng địa phương gọi là hoa Loóng phạt, theo quan niệm của người Cống hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp), mâm cúng được đặt ngay ngắn dưới gốc cây hoa. 

Lễ vật cúng của cả bản được sắp xếp thành 1 mâm cỗ thịnh soạn. Ảnh: Trịnh Xuân Tư - TTXVN
Lễ vật cúng của cả bản được sắp xếp thành 1 mâm cỗ thịnh soạn.
Ảnh: Trịnh Xuân Tư - TTXVN

Thầy mo thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng và cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất. Trong khi thầy mo cúng cho cả bản, thì tại các gia đình cũng mổ lợn, gà, đồ xôi, làm bánh cho mọi người ăn Tết. Tại mỗi gian thờ cúng của gia đình, các chủ nhà làm lễ cúng, báo cáo kết quả 1 năm làm ăn, cầu cho năm mới may mắn và mời tổ tiên về ăn Tết. 

Thầy mo Hù Văn Sầm cho hay, ngày Tết là dịp để đồng bào trong bản họp mặt, giao lưu. Tết đến cũng là dịp già làng răn dạy con cháu, bảo ban bà con trong bản chăm chỉ lao động sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu. Kết thúc phần lễ là phần hội, sau khi mọi người vui vẻ bên mâm cơm, chén rượu ngày tết, đến đêm cả dân làng tập trung tại sân Nhà văn hóa của bản để múa, hát những giai điệu truyền thống. Những điệu múa của những cô gái Cống hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng...Sau phần trình diễn văn nghệ, mọi người cùng nhau nhảy múa theo tiếng trống, ném những hạt ngô, thóc ra xung quanh để cầu mùa màng bội thu. Sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, một đám thanh niên bản đang hồ hởi mổ trâu chuẩn bị cho bữa cơm ngày đầu năm bên bờ suối. Các chàng trai thi tài bắn cung, ném cù… Những em bé, cô gái trẻ thì bện những cành hoa mào gà đỏ thành vòng, đội trên đầu, reo hò cổ vũ cho các chàng trai. 

Ngày Tết của bà con dân tộc Cống càng vui hơn, vì vào dịp này các cán bộ xã, cán bộ, chiến sỹ Biên phòng, các thầy cô giáo... lại đến chia vui và chúc mừng đồng bào dân tộc Cống. Mọi người quây quần bên tiệc rượu chúc nhau sức khỏe, sản xuất được nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều lợn, gà. Trưởng bản Lò Văn Thắng chia sẻ, theo quan niệm của người Cống, sau một vụ mùa muốn tiếp tục làm nương, làm rẫy, xuống đồng, phải tổ chức ngày Tết để cầu khấn thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Năm nay được sự quan tâm của nhà nước, nên người dân bản Nậm Kè ăn Tết to hơn, vui hơn. 

Tỉnh Điện Biên hiện có khoảng 1.000 người dân tộc Cống, sống tại 5 bản ở các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé. Phong tục đón Tết Hoa đang được tỉnh Điện Biên lưu giữ, phục hồi để phát huy và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cống.

Có thể bạn quan tâm