Ông mối và tục “bán đầu” lấy vợ trong hôn nhân của người Sán Chay ở Bắc Giang

Ông mối và tục “bán đầu” lấy vợ trong hôn nhân của người Sán Chay ở Bắc Giang
Trong hôn nhân, người Sán Chay rất coi trọng vai trò của người làm mối. Ảnh minh họa
Trong hôn nhân, người Sán Chay rất coi trọng vai trò của người làm mối. Ảnh minh họa

Trong hôn nhân, người Sán Chay rất coi trọng vai trò của người làm mối. Đôi trai gái có nên vợ, nên chồng, có sống êm ấm thuận hòa hay không là nhờ vào ông bà mối. Ngay cả khi nhà gái muốn đánh tiếng lấy người con trai về làm rể, muốn họ bán đầu thì cũng phải nhờ đến ông mối. Các nghi lễ của đám cưới, từ việc xem số, chọn ngày lành tháng tốt, đến dạm hỏi, thách cưới, cho đến hát đối đáp trên chặng đường đón dâu, đón rể… Tất cả đều phải có sự lo liệu của ông mối, bà mối.

Tục mua đầu, bán đầu rể của người Sán Chay chỉ diễn ra khi làm đám cưới. Nhưng không phải cứ muốn là được. Bởi dân tộc Sán Chí chỉ mua đầu rể khi nhà gái có điều kiện, lại không có con trai nối dõi. Còn người bán thường là trai nhà nghèo, nhà lại đông con trai. Và chỉ khi cả hai đã thật sự đồng thuận, việc mua bán mới được tiến hành. Lúc ấy, nhà gái phải lo mọi phí tổn cho đám cưới, thậm chí việc thách cưới cũng được chuyển sang cho nhà rể bán đầu. Và lễ vật thách cưới mà họ đưa ra cũng không phải là nhỏ gồm: tiền, tạ rưỡi thịt, rượu hơn trăm lít, một thúng gạo nếp, một thúng gạo tẻ. Nhà gái mang tất cả lễ cho nhà trai hết, chẳng khác gì mình đi hỏi nhà gái. Và một khi đã bán đầu rể, người con trai phải sang ở nhà vợ, và phải đổi họ sang họ vợ.

Nếu nhà vợ có nhiều con rể, bố mẹ vợ sẽ lựa chọn lấy một người thích hợp nhất để thỏa thuận về bán rể đầu. Thông thường người Sán Chay sẽ chọn con rể cả hoặc út làm rể bán đầu. Dù phải chuyển họ là vậy, nhưng ông Sập bảo bù lại, người con rể sẽ được thừa kế tài sản bên vợ mình.

Điều đặc biệt nữa là phải có người làm mối kể cả đi hỏi số, hỏi sách hợp mới được, bán đầu phải hợp con dâu đi hỏi. Hai đứa nhà trai, nhà gái phải hợp số mới được. Phải xem thầy, phải xem sổ sách ngày tháng năm sinh có hợp mới được nhờ thầy. Ông mối là ngang với cha mẹ, có đôi lúc bố mẹ không nói được thì phải nhờ đến ông mối để giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc, và cứ mùng 2 Tết là ông mối phải có đôi gà thiến do con trai, con gái lễ.

Thậm chí, khi đã thành vợ, thành chồng, sinh con, đẻ cái, ông mối cũng vẫn là người gìn giữ sự yên ổn trong gia đình. Mỗi khi vợ chồng có bất hòa, người đứng ra làm nhiệm vụ hòa giải lại chính là ông mối chứ không phải bố mẹ đẻ. Chính vì thế, cô dâu, chú rể khi đã chọn được người làm mối cũng là khi chọn thêm được một người bố, người mẹ cho mình. Kể từ đó, hai vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc ông, bà mối khi họ về già, khi họ chết phải để tang và có nghĩa vụ như cha mẹ đẻ của mình.

Chính vì ông mối quan trọng như vậy cho nên tiêu chuẩn để chọn mối cũng khá cao. Ai cũng có thể làm mối miễn là họ am hiểu văn hóa, phong tục, giỏi chữ nghĩa, giỏi thơ ca. Đặc biệt, họ phải có gia đình hòa thuận, đủ trai, đủ gái, có kinh tế bền vững để lấy may cho đôi vợ chồng trẻ sau này.

Ngày nay tục mua đầu, bán đầu rể của người Sán Chay ở Bắc Giang không còn nữa. Dù họ vẫn còn lệ gia đình đông con gái lấy rể về nhưng người con trai vẫn được quyền giữ lại họ của mình. Con có thể theo họ cha hoặc theo họ mẹ, không như xưa họ mẹ dứt khoát phải được lấy làm họ của con. Xem ra sự dân chủ, bình đẳng đã dần thay thế cho những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân người Sán Chay.
 
Theo dantocviet.cinet.gov.vn

Có thể bạn quan tâm