Người Cao Lan cúng cơm mới

Người Cao Lan cúng cơm mới
Người Cao Lan là một nhóm thuộc dân tộc Sán Chay. Trước đây, người Cao Lan ở Sơn Dương (Tuyên Quang) thường tổ chức lễ cúng cơm mới vào khoảng tháng 10 âm lịch. Ngày nay, lễ cúng cơm mới được tổ chức sớm hơn, tầm cuối tháng 8, đầu tháng 9. 

Ông Lý Hiền Lương, ở xã Đồng Quý, giải thích: bây giờ, bà con người Cao Lan ở Sơn Dương chủ yếu canh tác giống lúa mới, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Do đó, cuối tháng 8, đầu tháng 9 lúa đã chín vàng, các làng người Cao Lan bắt đầu lục đục làm lễ cơm mới.

- Từ đời cha truyền con nối thì dân tộc Cao Lan chúng tôi có tục lệ ăn tết cơm mới. Năm nào cấy sớm, thời tiết thuận lợi, lúa chín sớm thì ăn tháng 8. Nhưng đặc biệt có những năm lúa chín muộn phải ăn sang tháng 9. Tết cơm mới không thống nhất vào ngày nào. Mỗi một nhà, tùy theo lúa, chín trước thì ăn trước, chín sau ăn sau ,nhưng đặc biệt phải xem ngày lành tháng tốt thì mới ăn. Cái ngày phải hợp với gia chủ, họ nhà chủ không kiêng ngày ấy thì ăn cơm mới - ông Lương nói.
Lễ vật trong lễ cúng cơm mới. Ảnh:baoyenbai.vn
Lễ vật trong lễ cúng cơm mới. Ảnh:baoyenbai.vn

Thời gian tổ chức lễ ăn cơm mới phụ thuộc vào mỗi dòng họ, mỗi gia đình. Có dòng họ tổ chức vào ngày mùng 10, có dòng họ lại tổ chức vào ngày rằm. 

Chị Chu Thị Dự, ở xã Đồng Quý, bảo gia đình nào chưa làm lễ cúng cơm mới thì chưa được ăn cơm gạo mới, dù lúa đã được gặt về nhà, dù trong nhà thiếu gạo ăn, nếu không sẽ có những chuyện không hay xảy ra.

- Nhà nào mà chưa ăn cơm mới mà tới nhà người ta ăn lúa mới thì mình không dám ăn cơm mới, vẫn phải ăn cơm cũ. Vì ma mình nó quở, nó đánh, sợ thế - chị Dự giải thích.

Nơi làm lễ cúng cơm mới thường là đình làng. Nếu như làng nào có đình làng thì làng đó phải tổ chức lễ cúng cơm mới ở đình trước, rồi mới đến các gia đình. Theo Thạc sỹ Lý Thị Thanh Hà, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, mặc dù các gia đình trong làng đều ăn cơm mới riêng tại gia đình mình, nhưng các nghi thức và trình tự tổ chức thể hiện đều phải theo lệ làng:
 
Thạc sỹ Lý Thị Thanh Hà:

- Nhà nào có lúa chín sớm nhất và gặt sớm nhất làng thì mang một ít gạo mới đến cho ông trùm làng. Ông trùm làng là người có uy tín được dân làng bầu, đại diện cho dân làng thực hiện một số công việc của làng để trình thành hoàng làng. Sau đó mỗi gia đình trong làng mang một bát gạo cũ đến gia đình gặt lúa sớm nhất đổi gạo mới về nấu ăn, tượng trưng là đã được ăn cơm mới. Trước khi cả làng ăn cơm mới, ông trùm làng làm một lễ cúng thành hoàng ở đình làng, xin thành hoàng làng đồng ý cho bách tính được ăn cơm mới và phù hộ cho dân làng. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, chén rượu, nén hương.
 

Người Cao Lan ở Yên Bái múa Pâng loóng trong lễ cúng cơm mới. Ảnh:baoyenbai.vn
Người Cao Lan ở Yên Bái múa Pâng loóng trong lễ cúng cơm mới. Ảnh:baoyenbai.vn

Các gia đình tổ chức lễ cúng cơm mới phải làm cây nêu bằng ngọn tre hoặc ngọn lau, cắm ngoài cổng để báo hiệu khách lạ không được vào nhà. Ông Lý Hiền Lương cho biết đây cũng là điều kiêng kỵ của người Cao Lan trong dịp lễ quan trọng này:

- Tục có cây nêu ở cửa là người ta đã chọn được ngày lành tháng tốt để ăn cơm mới nên người ta không muốn cho khách lạ nào vào nhà cả. Quan niệm là khách lạ trong ngày hôm ấy đi các nơi về, không biết người ta vào chỗ lành hay lạnh, nhỡ người ta vào chỗ lạnh thì vụ sau mình trồng cấy sẽ rất khó khăn.

Lễ cúng cơm mới tại gia đình diễn ra đơn giản, nhưng ấm cúng. Các gia đình cảm ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ, đã giúp đỡ con cháu, đã trông nom nương rẫy để có một vụ mùa bội thu. Lễ vật chủ đạo vẫn là cơm mới. Gia đình thờ bao nhiêu vị thì xới bấy nhiêu bát cơm mới, với con gà cả con, cúng tổ tiên.  Thanh niên háo hức chờ đến buổi tối lễ ăn cớm mới, để được đến nhà gia chủ giã cốm mới, được tụ tập và hẹn hò.

Ông Lý Hiền Lương bảo tục giã cốm mới là một nét văn hóa rất hay và độc đáo của người Cao Lan:

- Có gia đình dự đoán năm nay nhà mình được mùa, có thể nhờ chị em trong dòng họ, kể cả trong làng, tuốt lúa về rang để giã cốm. Tục lệ giã cốm rất hay, đầu tiên có mấy thanh niên gần nhà ấy thôi, nữ thì cho lúa vào cối, nam thì giã tượng trưng vào cái máng ấy. Giã thì có cái chày, gõ và khua hay lắm, có nhịp điệu rất hay. Một hai anh khua mang tính chất để gọi trai làng, không những làng này còn làng khác, cứ nghe tiếng máng thì người ta đến. Có khi đến 5,6 chục người. Giã bữa cốm, có khi nhà chủ chẳng được bát nào. Vui nên đãi khách hết. 

Nhiều đôi trai gái hẹn hò ngay đêm ăn cốm mới đó. Nhiều đôi thành vợ thành chồng, nên duyên sau mùa ăn cơm mới.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm