Lễ vật trong đám cưới người Thái đen

Lễ vật trong đám cưới người Thái đen
Do đặc thù cư trú của người Thái đen thường bám vào những địa hình đồng bằng xen kẽ giữa vùng núi cao có các con sông, suối lớn để tiện canh tác lúa nước, sinh hoạt hàng ngày và lễ tết liên quan đến tục té nước. Nhưng cũng chính bởi những yếu tố đó khiến cho người Thái trở thành tộc người có kinh nghiệm trong việc nuôi cá ruộng (xen lúa) và giỏi đánh bắt cá tôm ở sông suối hơn các dân tộc khác.
 
Lễ vật đám cưới của người Thái đen ngoài thịt lợn, thịt gà thì không thể thiếu được món cá chua, cá sấy được chọn cầu kỳ, chỉ dùng để đãi khách quý
Lễ vật đám cưới của người Thái đen ngoài thịt lợn, thịt gà thì không thể thiếu được món cá chua, cá sấy được chọn cầu kỳ, chỉ dùng để đãi khách quý

Hình ảnh sông suối, con cá đã đi sâu vào văn hoá dân gian của họ cả về tâm linh cũng như triết lí nhân sinh của con người. Cũng có thể từ sự gắn bó mật thiết này mà trong lễ vật đám cưới của người Thái đen ngoài thịt lợn, thịt gà thì không thể thiếu được món cá chua, cá sấy (pa bẳng, pa hắp).

Món “pa bẳng” được làm từ loại cá ngon như cá xỉnh, cá chép. Khi chế biến, người ta đánh vảy, mổ và cạo hết màng đen trong khoang bụng của cá, cắt bỏ đầu đuôi rồi rửa sạch để ráo nước. Tiếp đến là lấy miếng vải lau thật sạch nhớt, máu cá còn bám lại trên bề mặt khúc cá và thái thành miếng nhỏ rồi nêm các gia vị như riềng giã nhỏ, hạt xẻn, rượu trắng nồng độ cao, muối, thính gạo. Sau từ một đến hai giờ đồng hồ, các gia vị đã ngấm sâu vào thịt cá thì người ta dùng ống nứa, tre to lèn thật chặt cá vào bên trong, lấy lá dong nút nhiều lớp cho thật kín miệng ống để không bị khí và vi khuẩn xâm nhập vào cá. Vài ngày sau thịt cá bắt đầu lên men và từ một tháng rưỡi trở lên, sức nóng của riềng, rượu, vị mặn của muối đã làm cho cá chín kĩ và dẻo thơm mùi thính gạo.


Món “pa hắp” cũng được làm bằng cá xỉnh, chép. Khi mổ cá không cần phải đánh vảy nhưng phải mổ từ đằng lưng, không cắt lìa phần bụng để phanh đôi thân cá xoè rộng cho đẹp. Thịt cá cũng được vệ sinh sạch nhớt, máu rồi dùng nhiều muối trộn đều vào cá. Sau đó, dùng những chiếc giỏ nhỏ lót rơm khô dưới đáy, lót tiếp lá chuối khô hoặc lá cây ba xoi lên trên và xung quanh thành giỏ cho thật kín gió rồi xếp cá thành từng lượt, thêm cho mỗi lớp cá một chút muối, thính gạo. Khi cá gần đầy giỏ thì phủ kín lá chuối khô, rơm và dùng que tre gài chặt cho lá khỏi bung ra rồi đặt lên gác bếp. Khoảng hơn chục ngày sau món cá này ăn được và khi ăn thì chao bằng mỡ nóng hoặc nướng trên than hồng để ăn với xôi nếp thì ngon tuyệt vời.

Vì là món ăn không thể thiếu trong nghi lễ cưới hỏi của người Thái đen nên khi chuẩn bị dẫn lễ cưới, người Thái đen trang trí cho hai món này khá cầu kì, đẹp mắt để mang đến nhà gái. Với món “pa bẳng” thì đan một tấm lóng mốt bằng lạt mỏng rồi lót giấy đỏ và ốp tấm đan lên miệng ống, dùng lạt nhuộm đỏ buộc lại. Phần thân ống được dán giấy xanh, đỏ cắt hình hoa văn truyền thống của của đồng bào Thái đen. Món “pa hắp” thì đan những chiếc giỏ mới hở mắt cáo bằng nan tre hoặc giang tươi trái bụng, cật tre nứa để tạo nên những đường nan trái màu và miệng giỏ được bắt thành diềm tua rua bằng chính những nan giỏ. Bên trong giỏ lót giấy hồng điều rồi lá chuối khô xong mới xếp cá vào, đậy kín lá và có chèn thêm tấm đan. Quoai giỏ làm bằng sợi vải dệt màu ngũ sắc và cứ một ống “pa bẳng” được buộc liền với một giỏ pa hắp. Lượng pa bẳng, “pa hắp” không có quy định cụ thể là bao nhiêu mà tuỳ theo lượng khách nhà gái định mời thì nhà trai chuẩn bị một lượng cá tương ứng.

Người Thái lí giải rằng, món “pa bẳng”, “pa hắp” là những món ăn đặc sản nên khi cưới vợ, nhà trai phải có những món này để trả ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ bên nhà gái đã có công sinh thành, dưỡng dục cho người con gái xinh đẹp, thảo hiền, giỏi giang để đi làm dâu nhà người. Đồng thời, khi nuôi được con gái đẹp người, đẹp nết như thế thì khi đi lấy chồng cha mẹ cũng xứng đáng có được những món ngon để thết đãi họ hàng, dân bản. Nhà gái có được hai món này do nhà trai chế biến thật ngon, khéo léo thì họ tự hào lắm nên nhà trai phải vô cùng cẩn thận khi chế biến “pa bẳng”, “pa hắp”.

Cũng có một cách lí giải nữa là, người Thái đen quan niệm con cá là loài vật rất quấn quýt bên nhau như câu ca “Người ta như cá có đôi” và cá sinh sản rất nhanh, nhiều. Con cá cũng là biểu tượng của mối giao hoà âm dương trong vũ trụ để vạn vật sinh sôi. Vì vậy, món “pa bẳng”, “pa hắp” còn thể hiện khát vọng cho trai gái khi nên vợ nên chồng có cuộc sống chung thuỷ, thuận hoà, sinh con đẻ cái được vuông tròn, làm ăn phát đạt và sống lâu.

Cả hai cách lí giải như trên, đều mang ý nghĩa nhân sinh rất sâu sắc. Chính vì thế mà lễ vật “pa bẳng”, “pa hắp” vẫn tồn tại bền vững trong nghi lễ cưới hỏi của người Thái.
Theo baoyenbai.com.vn

Có thể bạn quan tâm