Lễ Pang then của người Tày

Lễ Pang then của người Tày
Trong then có một loại gọi là “pang then”, chỉ làm trong trường hợp gia đình có người làm then và có điện then. Mỗi năm làm 2 lần, tự những người làm then này phải đứng ra chuẩn bị lễ và làm một đêm “pang”. Nghệ nhân Hoàng Thị Cấp, ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, Hà Giang giải thích: "Pang là làm cỗ như ăn tết ấy. Mỗi năm thầy then này phải đưa lễ lên nộp cho Ngọc Hoàng, và xin Ngọc Hoàng giúp cho người làm then có sức khỏe, thông tuệ, giỏi giang về phép thuật để giúp dân bản chữa bệnh, giải hạn, đuổi ma tà, giúp đời sống dân bản tốt đẹp hơn". Pang then thường được tổ chức vào 3 tháng mùa xuân đầu năm và vào  tháng 8, khi bắt đầu mùa cốm. Không phải tự nhiên người Tày chọn 2 thời điểm này để làm “Pang”. Theo giải thích của bà Hoàng Thị Cấp: "Người ta nói 3 tháng đầu năm là trần sao âm vậy, là mùa lễ hội ăn chơi, nên các then mới có thời gian dâng lễ cho Ngọc Hoàng để chứng kiến sự vui vẻ. Người Tày cho Ngọc Hoàng là cao nhất, chỉ có then mới đến Ngọc Hoàng, thì đem tất cả tâm tư nguyện vọng của con người gửi gắm then để then mang lên đệ trình với Ngọc Hoàng cho 1 năm con người sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt. Còn cuối năm dâng cốm để cảm ơn Ngọc Hoàng suốt 1 năm đã cho con người sức khỏe, bình an, có sức khỏe mới làm ra được vật chất này".
Người Tày làm lễ Pang then. Ảnh: baomoi.com
Người Tày làm lễ Pang then. Ảnh: baomoi.com
Pang có 13 bài hát, thứ tự là: Tẩy uế, mời hương, lên đường, nộp lễ, thu quân điểm tướng... Dù đi theo những đường khác nhau hay dùng những lời hát khác nhau, nhưng pang đều tuân theo một bài bản và kết thúc đều có kết quả giống nhau. Bà Hoàng Thị Cấp chỉ rõ nội dung từng bài một: Trước khi đưa lễ lên nộp cho Ngọc Hoàng phải có bài tẩy uế cho cả nhà sạch sẽ, cho thổ công, cho bàn thờ gia tiên, tẩy uế cho cả những người trong gia đình và hàng xóm đến dự. Bài thứ 2 là mời hương, hương như 1 nhân vật đi tìm lễ vật, tìm những người có liên quan đến cuộc này. Bài thứ 3, bắt đầu lên đường, trình quan thổ công; dọc đường đi chia thành từng đoạn một, trong đó có đoạn khảm hải (vượt sông). Bài đó gồm 12 khổ, tức là 12 con thác, 12 con nước phải vượt qua; sau khi vượt sông đoàn lại tiếp tục đi vào rừng sâu núi cao, gặp những con côn trùng đứng khóc, chặn đường, đoàn quân then phải động viên an ủi để nó đỡ khóc rồi đi tiếp. Gần đến nơi gặp Ngọc Hoàng rồi thì phải cho quân lên rừng lên núi để lập dinh lập trạm ở đó, chờ đến khi Ngọc Hoàng gọi thì mới vào để nộp lễ. Đến bài cuối cùng thu quân, mời cả Nàng Hương quay về, tất cả những hồn nào đi theo thì gọi về nơi trần gian, điểm quân điểm tướng rồi cuối cùng khóa bài. Về mặt bản chất, Then là những người hành nghề tín ngưỡng, tâm linh. Trong then thường có hát và múa. Hát để cầu cúng, giúp gia chủ đưa lễ vật đến với tổ tiên, vượt qua các cửa mụ, cửa ma ham, cửa chầu tướng… để lên đến thượng giới, cầu xin tai qua nạn khỏi, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Việc đưa lễ vật ở đây do các binh mã, thầy tướng đảm trách nên khi qua cửa thổ công vào đến cửa tổ tiên có tiết mục “phi lồng” (một dạng tương tự kiểu nhập đồng của người Kinh). “Phi lồng” để nghe gia chủ cầu xin thỉnh giúp việc nối số, giải hạn cầu an… Kết thúc công việc then, lại vượt qua các cửa, quay về thông báo với gia chủ việc mình đã thỉnh. Một đặc điểm khá rõ trong pang then là cảnh vật thiên nhiên rất đẹp, rất gần gũi với cuộc sống. Qua lời hát, có thể hình dung đoàn quân then đi từ bản này sang bản khác; có lúc bướm bay rợp trời, hoa rợp mặt đất; có lúc đến vùng quế thơm, vùng núi đá cao chất ngất; khi lại đến bản hòa bình êm ả, có tiếng gà gáy, tiếng trâu ngựa đi lục cục, tiếng người nói chuyện, tiếng trẻ em cười râm ran… Trong Then còn có khá nhiều nội dung phê phán thói hư tật xấu và đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật ngôn từ, Then đã khắc họa nên những hình tượng nhân vật tương phản: Trai đần - trai giỏi, gái lười – gái chăm, với ý nghĩa răn đe dạy dỗ người đời. Pang then giáo dục con người không nên lười biếng, nếu lười biếng không có gì ăn. Then chỉ kể chứ không nhận xét, như đi qua bản đàn ông lười, không biết làm gì, đến đóng cái chuôi dao cũng phải đi mượn người ta đóng; đi qua bản có bà nằm 3 năm không lật, có bà nằm 6 năm không dậy… Theo nghệ nhân Hoàng Thị Cấp, để trở thành ông Then hay bà Then, trước hết phải có nhiều đường then và có căn then (gọi là mỉng bang). Hai là, gia đình, dòng dõi có người làm Then (tẩn then). Then được truyền nghề theo gia tộc của người thầy cúng, hoặc theo gia tộc của ngành cúng mà thầy cúng là một thành viên có ngôi thứ và địa vị nhất định. Trong cuộc đời làm Then, ông Then hay bà Then trải qua nhiều lần thăng cấp (tâng) qua lễ lẩu Then, cấp Then biểu hiện ở số lượng dải mũ, tương đương với số quân mà Then cai quản. Một gia đình ngành Then sẽ có đủ thầy cha (thầy Phù thuỷ hoặc thầy Tào), thầy mẹ (Then hoặc Pụt) và cũng có các thứ bậc theo quy định. Mỗi người làm nghề Then đều phải nhớ đủ danh sách tổ tiên làm nghề của gia đình và thầy cha, thầy mẹ của mình để thờ phụng tại nhà cũng như khi đi hành lễ. Nhà có điện then phải phụng sự, chăm chút bàn thờ chu đáo. Nếu không còn người làm then nữa thì một năm hai lần, gia đình vẫn phải mời thầy then khác về làm “pang” tại nhà.
Thu Hòa (Theo vov4.vov.vn)

Có thể bạn quan tâm