Lễ cúng thần đá hộ mệnh của người Lô Lô đen

Lễ cúng thần đá hộ mệnh của người Lô Lô đen
Cứ vào ngày Thìn của tháng 3 Âm lịch hàng năm, người Lô Lô đen ở Bảo Lạc và Bảo Lâm (Cao Bằng) lại làm lễ Mể lồ pỉ, còn gọi là lễ thờ Thần đá hộ mệnh, hay lễ cúng thổ công.
 
Lễ cúng thần đá hộ mệnh, chỉ người già trong bản còn nhớ gốc tích. Các già kể rằng, chuyện thờ thần đá hộ mệnh của người Lô Lô đen gắn liền với một truyền thuyết: Xưa kia, hòn đá thần đã dẫn đường cho người Lô Lô đến cư trú tại Nà Hầu (xã Bảo Toàn, Bảo Lạc) rồi sang đến  xã Hồng Trị, Kim Cúc (Bảo Lạc), Đức Hạnh (Bảo Lâm) bây giờ.
 
Đến đâu ở, người Lô Lô cũng thấy hòn đá hình vuông, cao khoảng 2 gang tay xuất hiện trên một mảnh đất bằng phẳng, trong cánh rừng già gần làng. Người Lô Lô coi đó là thần đá đã đi theo để bảo vệ dân làng, nên lập miếu thờ.
 
Bản Lô Lô đen truyền tai nhau về sự linh thiêng không chỉ của thần đá, mà cả khu rừng bao quanh thần đá, gọi là rừng thổ công.
 
Anh Chung Văn Sấn, ở xóm Khỏ Cà (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc) kể rằng: Theo phong tục thì cúng thổ công xong mới gieo lúa, mới trồng ngô. Xem ngày tốt, ngày con rồng ở tháng 3 mới cúng được. Không cúng thì con hổ về kêu, dọa cả xóm luôn.
 
Mỗi bản người Lô Lô đen có một miếu thờ thần đá, dựng bằng cây que đơn giản trên một gò đất giữa rừng già. Trước ngày cúng chừng 1 tuần, cả bản tất bật chuẩn bị. Ngoài góp tiền để mua chó, mua lợn, mua trâu về giết thịt để cúng ở rừng, thì mỗi gia đình còn phải làm phẩm vật dâng cúng. Bà con làm cơm hoa nhiều màu trắng xanh đỏ vàng. Mỗi hộ dâng một nắm xôi to và một chai rượu.

Cúng thần đá hộ mệnh. Ảnh: baomoi.com
Cúng thần đá hộ mệnh. Ảnh: baomoi.com

Làng nào đông thì mổ trâu, mổ bò. Con vật tế, sau khi giết thịt thì để nguyên cả con trước miếu, bát tiết đặt bên cạnh. Già làng khấn tế, mong thần đá hộ mệnh về chứng giám lòng thành kính của bà con dân làng, nhận vật tế lễ, rồi giúp dân làng tránh được tai họa, nương rẫy tốt tươi, cuộc sống no đủ. Già làng cũng thay mặt dân làng hứa với thần đá rằng sẽ không có ai dám đốt rừng, chặt cây, không bắn giết thú rừng, không làm điều ác…
 
Ngày làm lễ cúng thần đá hộ mệnh, bản người Lô Lô khói trắng bay trên từng nóc nhà. Nhà nào cũng thịt gà, đồ xôi. Thế nhưng, theo anh Hoàng Văn Phúng, ở bản Cà Đổng (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm), góp mặt trong lễ cúng thần đá nơi rừng già, chỉ có người đàn ông chủ nhà:
 
"Ngày đấy thì con gái còn nhỏ mới đi, lớn thì không được đi. Ai mà có vợ đang chửa thì cũng không được vào khu vực đó. Sáng 8-9 giờ, thịt trâu xong thì sẽ mang một ít lông trâu đi cắm ở cái cọc nằm ở ngã ba đường. Rồi kêu cả làng không phơi quần áo ra sàn".
 
Kiêng kị trong ngày thờ thần đá được bà con Lô Lô đen tuân thủ tuyệt đối. Trong ngày cúng, bà con trong xóm không ai được đi đâu, không cho ai cầm cuốc cuốc rẫy. Người thực hiện lễ cúng cũng phải kiêng thật kỹ, cúng xong về tới nhà lại kiêng 3 ngày không nói chuyện với mẹ con, không ngủ với vợ, không được xới cơm, khách tới nhà không được nói chuyện... Không kiêng được như thế, người Lô Lô đen tin rằng mai kia con diều hâu sẽ về bắt gà bắt vịt!
 
Một tháng có vài ngày thìn, nên các bản người Lô Lô thường thỏa thuận với nhau để mỗi bản chọn một ngày, mục đích là để mời anh em bản bên cùng chứng kiến. Lễ cúng thần đá thường được tiến hành vào buổi sáng. Tới gần trưa, những con vật tế lễ được xẻ thịt, nấu cỗ ăn ngay trong rừng. Và có lẽ chỉ có duy nhất ngày đó trong năm, đàn ông Lô Lô đen mới dám bước chân vào khu rừng thiêng của bản.
 
Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học Việt Nam đã khẳng định: dân tộc Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, cùng nhóm ngôn ngữ với các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Cống, La Hủ, Si La. Dân tộc Lô Lô được chia thành 2 nhóm là Lô Lô đen và Lô Lô hoa. Người Lô Lô hoa cư trú chủ yếu ở Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, còn người Lô Lô đen thì cư trú chủ yếu ở huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng. Ở Cao Bằng, người Lô Lô đen hiện có trên 2.000 hộ.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm