Khăn Piêu - Tín vật tình yêu

Khăn Piêu - Tín vật tình yêu
Truyền thuyết người Thái kể rằng, ngày xưa, có một mường toàn con gái được gọi là Mường Mẹ, đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị sát hại. Một hôm, có một chàng trai lạc vào Mường Mẹ và được một cô gái xinh đẹp yêu thương, che chở. Hai người quyết tâm vượt qua những quy định ngặt nghèo từ bao đời để cùng chung bếp lửa. Họ bàn bạc với nhau, rồi chàng trai về thưa với Mường Cha.
 

Mường Cha cho đây là duyên trời bèn cùng nhau sang thưa chuyện cùng Mường Mẹ. Mường Mẹ quyết tâm giữ luật tục từ ngàn đời. Mường Cha đành dùng sức mạnh. Mường Mẹ đuối thế phải chấp nhận bỏ lệ cấm đàn ông và cho phép đôi trẻ xây dựng gia đình. Mường Mẹ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu khăn Piêu rồi in dấu vân tay làm chứng.

Từ đó, khăn Piêu trở thành "vật tín" cho tình yêu đôi lứa, là vật trang sức, sứ giả của tình yêu. Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau thường nhờ chiếc khăn Piêu để nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.

Khăn Piêu được người phụ nữ Thái tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Để làm một chiếc khăn Piêu phải mất từ 2- 4 tuần thêu liên tục. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi nên một chiếc khăn Piêu thêu xong thường phải mất vài tháng.
 
Điệu múa khăn Piêu của các cô gái Thái. Ảnh: internet
Điệu múa khăn Piêu của các cô gái Thái. Ảnh: internet

Thêu khăn Piêu đòi hỏi sự khéo léo nên từ khi còn nhỏ, người con gái Thái đã được bà hoặc mẹ truyền dạy cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái còn như là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Thông qua chiếc khăn Piêu có thể biết chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó, khéo léo hay lười nhác, vụng về.

Khăn Piêu của người Thái độc đáo và đặc sắc ở chỗ phần trang trí không trải dài trên toàn bộ khăn mà chỉ tập trung tạo điểm nhấn ở hai đầu khăn. Khi thêu những hoa văn lên hai đầu khăn, người thêu nhìn theo mẫu song không rập khuân một cách máy móc mà họ có thể tự sáng tạo theo ý muốn chủ quan.

Phụ nữ Thái không thêu khăn Piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian. Khăn Piêu được thêu theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, song cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn khăn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người thêu phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải có tư duy sáng tạo.

Nổi bật trên chiếc khăn Piêu, ngoài những nét hoa văn lấy ý tưởng từ cuộc sống, thiên nhiên như: cỏ cây, hoa lá, chim muông, còn có những "cút piêu" (những nút bằng vải mầu to bằng khuy áo, hình thù giống ngọn rau rớn cuộn tròn) và "sài peng" (những tua vải màu). "Cút piêu" đòi hỏi phải tỉ mỷ, cầu kỳ nên thường chỉ những người thành thạo mới biết làm. Có nhiều loại "cút piêu": "cút piêu " đôi, "cút piêu" ba, "cút piêu" năm và "cút piêu" bện thành chùm. "Piêu ba cút dành để tặng bà/Piêu năm cút dành để tặng thím " (tình ca dân tộc Thái).

Cùng với vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm, xà tích, cúc bạc..., khăn Piêu đã góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Ngoài việc thường xuyên được các cô gái Thái mang theo và sử dụng trong các ngày hội, hát giao duyên, múa xòe; làm vật mang theo cho người chết (nhằm chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người chết được siêu thoát lên thiên đàng), khăn Piêu còn là vật rất hữu ích trong đời sống hàng ngày, được người Thái dùng để che đầu khi nắng gió, giữ ấm người khi mùa đông lạnh giá...
Theo yenbai.gov.vn
yenbai.gov.vn/

Có thể bạn quan tâm