Khám phá văn hóa độc đáo của người Mơ-nâm tại Kon Tum

Khám phá văn hóa độc đáo của người Mơ-nâm tại Kon Tum
A In - già làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plong) đã sống gần hết cuộc đời tại làng Kon Chênh. Già làng A In say sưa nói về những nét văn hóa đặc trưng của người Mơ-nâm. Đầu tiên là nhà lúa. Cấu trúc nhà lúa của người Mơ-nâm tương tự như mái nhà sàn, chỉ có điều được thu nhỏ lại để đựng vừa những bao lúa mới gặt, thực phẩm dự trữ hay hạt giống chờ đến mùa vụ sau. Nhà lúa được đồng bào cất ngay cạnh nhà sàn lớn để tiện việc lấy lúa và bảo vệ. Điều đặc biệt là các cột nhà lúa được bà con Mơ-nâm bọc tôn trơn, tránh chuột, sóc theo chân cột leo lên phá hoại. Tùy theo lượng lúa thu hoạch của từng hộ gia đình mà mỗi nhà có từ 2-3 nhà lúa. Mắm Giố là đặc sản ẩm thực của người Mơ-nâm. Mắm Giố của người Mơ-nâm giống món mắm chua của người Kinh; được làm chủ yếu từ thịt lợn hoặc thịt trâu, có khi là cua, cá và cơm. Thịt tươi được thái nhỏ miếng vừa ăn, nếu là cua, cá cũng đem rửa sạch, để ráo nước. Nấu chín gạo rẫy, đem trải đều lên nia, đến khi cơm gần nguội thì cho thịt hoặc cá, cua vào trộn đều, không cho thêm bất kì gia vị gì. Sau đó, cho hỗn hợp này vào ghè, bọc kỹ lại bằng lá chuối hay bằng bao ni-lông. Nếu Mắm Giố được làm từ thịt trâu, lợn thì khoảng 1 tháng mới lấy ra ăn được, còn nếu làm từ cá suối thì khoảng nửa tháng, làm từ cua thì khoảng 1 tuần. Mắm Giố làm đúng phải có mùi chua của gạo lên men, mùi của thịt, cá ủ lâu ngày. Khi ăn, Mắm Giố được nấu chín lại để ăn chung với cơm, cũng có thể nấu canh chung với rau rừng, rau lang, rau dớn…
Khám phá văn hóa độc đáo của người Mơ-nâm tại Kon Tum ảnh 1
Tập tục văn hóa, ẩm thực khác lạ so với các dân tộc bản địa đã làm nên những nét riêng của người Mơ-nâm
Nét đặc trưng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mơ-nâm ở vùng núi Kon Plong là chiếc Tà Vẩu. Tà Vẩu được làm từ đốt nứa già, 2 đầu thanh nứa để rỗng, lấy sáp ong bịt kín một đầu; phần giữa thân nứa, người chế tác nhạc cụ đục một khe nhỏ hình chữ nhật rồi dùng sáp ong gắn vào đó một nan nứa mỏng và nhỏ (lưỡi Tà Vẩu) để tạo âm thanh. Âm thanh phát ra nghe réo rắt vui tai, hòa quyện cùng tiếng cồng chiêng như nhạc khúc núi rừng. Tà Vẩu còn được dùng để thổi đệm trong các nhạc khúc hát giao duyên của nam nữ người Mơ-nâm. Ông Trần Văn Nết - Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Người Mơ-nâm tại Măng Cành hầu hết vẫn giữ được các nét văn hóa đặc trưng, đó cũng là lý do mỗi năm có hàng trăm lượt khách du lịch đến tìm hiểu về văn hóa bản địa. Sắp tới, chính quyền có những hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời hướng dẫn đồng bào cách khai thác các tiềm năng du lịch địa phương./.
Hồng Điệp (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm