Hôn nhân của người M’nông

Hôn nhân của người M’nông
Theo quan niệm của đồng bào M’nông, việc tìm được chàng rể quý như mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho cả gia đình. Theo chế độ mẫu hệ của người M’nông, người con trai sẽ về nhà vợ ở rể, do vậy bên nhà trai được thách cưới và lễ vật thách cưới trước đây có thể là một con trâu và một số lễ vật khác và nhà gái phải đáp ứng đủ những yêu cầu điều kiện mà nhà trai đưa ra.

Lễ dạm ngõ (K’lup)

Những mùa lễ hội đánh cồng chiêng, lễ cầu mưa, cầu mùa, mừng lúa mới, những đêm hát giao duyên… là cơ hội tuyệt vời để các chàng trai, cô gái M’nông tìm đến với nhau. Sau khi đã chọn được cô gái vừa ý, chàng trai về thưa với cha mẹ nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối trong dòng họ đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình. Lễ vật gồm: hai ống nứa trong đựng măng chua và da trâu thái nhỏ, kèm theo một chiếc vòng bằng đồng hoặc bằng bạc...
Nhà trai mang sính lễ đến nhà gái trong Lễ cưới của người M’nông (Đắk Nông).
Nhà trai mang sính lễ đến nhà gái trong Lễ cưới của người M’nông (Đắk Nông).

Trước khi nhận lễ của nhà trai, cha mẹ cô gái hỏi con gái, nếu cô gái đồng ý thì mới nhận. Hai bên cùng phải đọc lại gia phả, nếu không trùng họ thì mới đi đến kết hôn. Lúc này cha mẹ cô gái mang một ché rượu lớn để làm lễ nhận lời hứa hôn. Ông mối cũng thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái để tiến hành làm đám hỏi. Nếu nhà gái không chấp thuận gả con gái thì sẽ trao cho ông mối một ché gạo trắng.

Lễ ăn hỏi (N’drôi hay Wăng N’drôi)

Sau lễ dạm ngõ 6 tháng hoặc một năm, đến ngày đã định, nhà trai cử một người già có uy tín cùng một số trai tráng khỏe mạnh mang lễ vật đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Nhà trai phải chuẩn bị cho “cô dâu” các lễ vật cần thiết: một con lợn, một ché rượu, một cái ché, một tấm váy dệt, một con dao, một chiếc lao, một chiếc vòng đeo tay, một xâu hạt cườm đeo cổ, một cái lược chải tóc bằng sừng trâu, một cây kẹp tóc bằng đồng có kết lông chim.

Đến nhà gái, nhà trai xin phép nhà gái hỏi vợ cho con trai mình. Người làm mối bên nhà trai đeo chuỗi cườm cho cô gái và đeo một vòng đồng vào cổ tay chàng trai. Với nghi thức này, hai gia đình đã công nhận cho đôi trai gái trở thành vợ chồng. Nhà gái làm lễ báo với thần linh, tổ tiên ông bà rằng họ là người trong một nhà, như “chim đã có đôi”, như “bếp lửa đã có nồi”, không thể chia lìa nhau được. Sau đó hai gia đình cùng uống rượu cần và bàn lễ cưới cho đôi bạn trẻ.

Lễ cưới (Tam N’sao)

Lễ cưới thường được tổ chức bên nhà gái khoảng một tuần sau hoặc có thể kéo dài một đến hai năm sau lễ dạm hỏi. Vật lễ cưới bên nhà trai chịu gồm một con lợn hoặc một con trâu, ba ché rượu, hai cái ché. Vật lễ cưới bên nhà gái chịu gồm một con lợn (nếu bên nhà trai giết con trâu), nếu bên nhà trai giết lợn thì bên nhà gái chỉ làm gà. Ngoài ra bên nhà gái còn phải chịu gạo đãi khách trong suốt thời gian lễ cưới cộng với một gùi gạo nếp và hai ché rượu.
Chú rể và cô dâu thực hiện nghi thức động phòng.
Chú rể và cô dâu thực hiện nghi thức động phòng.

Trước khi bước vào lễ cưới, ông mối tuyên bố hôn lễ, sau đó nhà gái giết trâu, người chủ hôn lấy máu trâu quét lên nơi thờ tổ tiên của nhà gái, thông báo những người đã khuất rằng người cháu của họ lấy chồng, nhờ tổ tiên chứng giám, phù hộ cho đôi vợ chồng mới cưới được trọn đời hạnh phúc, yên lành và làm ăn phát đạt, sinh con khỏe mạnh và nuôi dạy con tốt. Lúc cô dâu, chú rể đang uống rượu, cha mẹ hoặc một già làng làm thủ tục lễ cưới chính thức bằng cách dùng chiếc khăn hoặc tấm chăn trùm lên đầu của hai vợ chồng mới cưới. Hai vợ chồng phải uốngđủ bốn ống rượu, sau đó đến cha mẹ và các già làng cùng uống.
Cô dâu trao quà, cầu sức khỏe cho hai bên gia đình.
Cô dâu trao quà, cầu sức khỏe cho hai bên gia đình.

Cha mẹ và các già làng vừa uống rượu vừa lần lượt giáo dục đôi vợ chồng trẻ về cách ăn ở, làm ăn để xây dựng gia đình hạnh phúc. Làm xong lễ cưới chính thức này mời đôi vợ chồng ăn thịt và cơm nếp. Bên nhà trai mời bên nhà gái ăn mỗi người một miếng thịt, bên nhà gái mời bên nhà trai ăn mỗi người một miếng cơm nếp. Tiếp đó cô dâu tặng đồ vật cho bên nhà chồng, tặng cho cha mẹ bên chồng một tấm váy và một chiếc khố, tặng cho các thành viên trong gia đình chồng mỗi người một xâu cườm đeo cổ. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, họ tiếp tục ăn uống, chia vui với cô dâu, chú rể, các thanh niên ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm.
Múa chiêng trong lễ cưới.
Múa chiêng trong lễ cưới.

Những người đến dự đám cưới đều mang theo rượu, gạo nếp, thực phẩm... góp vào ngày vui của gia chủ. Sau lễ cưới còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau. Cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cữ, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở trọn đời.
Tái dựng lại nghi lễ cưới hỏi của người M’nông.
Tái dựng lại nghi lễ cưới hỏi của người M’nông.

Hiện nay, do những yếu tố khách quan và chủ quan nên lễ cưới của cộng đồng người M’nông đã có những biến đổi. Đứng trước thực trạng đó thiết nghĩ các ngành chức năng và các cơ quan hữu quan cần phải có những biện pháp tích cực nhằm lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông, đồng thời loại bỏ những điểm không phù hợp để gìn giữ một phong tục đẹp, giàu tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc.
Minh Anh (Theo Langvietonline.vn)
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm