Duyên dáng điệu múa của người Giáy

Duyên dáng điệu múa của người Giáy
Đến mảnh đất biên cương Lào Cai, một trong những nét văn hóa đặc sắc khiến bao người say đắm là điệu múa của dân tộc Giáy.
Đồng bào Giáy sống rải rác ở một số huyện và thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhất là ở khu vực thung lũng Mường Hoa, xã Tả Van (Sa Pa) và các xã vùng thấp của huyện Bát Xát.

Theo các cụ cao niên ở làng Giáy Tả Van, điệu múa Giáy có từ rất lâu đời, thường được biểu diễn trong những dịp tết đến, xuân về, đặc biệt là trong Lễ hội Xuống đồng. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu múa Giáy được cải biên theo những làn điệu mới của văn hóa Pháp. Sự giao thoa của văn hóa Á - Âu đã đem đến cho điệu múa Giáy những nét độc đáo riêng có, uyển chuyển, nhịp nhàng hơn, vừa có chút phóng khoáng, mạnh mẽ của người vùng cao, vừa có chút lãng mạn theo nhịp nhảy của điệu Van cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của múa Giáy Lào Cai.

Những điệu múa duyên dáng của đồng bào Giáy luôn làm say đắm lòng người.
Những điệu múa duyên dáng của đồng bào Giáy luôn làm say đắm lòng người.

Ban đầu, điệu múa Giáy có 2 bài múa cổ là múa trống kèn và múa đón dâu (hay còn gọi là múa rước dâu). Hòa chung nhịp đi vui vẻ đầy hứng khởi của đoàn người rước dâu, những điệu múa tạo nên sự vui vẻ và đầm ấm, mang ý nghĩa chúc phúc cho đôi bạn trẻ hạnh phúc bền lâu. Bài múa cổ thứ 2 là bài múa trống kèn. Trên nền nhạc của trống kèn, những điệu múa mềm mại nhưng đầy khỏe khoắn. Điệu múa này thường được biểu diễn trong Hội Xuống đồng cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Theo thời gian, người Giáy đã phát triển và cho ra đời những điệu múa mới như múa quạt, múa hoa đăng, múa khăn hay những điệu múa kết hợp với các dân tộc khác như Xa Phó, Mông để tạo thành điệu múa tập thể của các dân tộc. Sự ra đời của các điệu múa mới giúp cho kho tàng múa Giáy thêm phong phú và nhiều sắc màu hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, điệu múa Giáy không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần của người dân mà còn trở thành sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Các khu du lịch, nhà nghỉ homestay còn kết nối với đội văn nghệ quần chúng biểu diễn phục vụ du khách. Đây được coi là hướng đi mới vừa lồng gắn việc bảo tồn, phát huy truyền thống dân tộc, vừa phục vụ phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
Theo langvietonline.vn
Dân tộc Giáy Dân tộc Giáy

Tên tự gọi: Giáy

Tên gọi khác: Nhắng, Giẳng

Dân số: 58.617 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng Giáy thuộc ngữ hệ Thái - Ka Ðai.

Lịch sử: Người Giáy từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 200 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước trên những triền ruộng bậc thang. Bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi theo lối thả rông. Có một số nghề thủ công nhưng chưa phát triển.

Ăn: Ăn cơm tẻ. Gạo được luộc cho chín dở rồi mới cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nước luộc gạo dùng làm đồ uống. Cách chế biến món ăn, nhất là ăn trong ngày lễ, ngày tết chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Hán.

Mặc: Trước kia phụ nữ mặc váy xoè giống như váy của người Mông. Ngày nay họ mặc quần màu chàm đen có dải vải đỏ đắp trên phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải, hò áo và cổ tay áo viền những dải vải khác màu. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc. Vai khoác túi thêu chỉ màu với hoa văn là những đường gấp khúc. Nam giới mặc quần lá toạ, áo cánh xẻ tà, mở khuy ngực.

: Người Giáy cư trú ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương (Lào Cai), Yên Minh, Ðồng Văn (Hà Giang), Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu). Nhà sàn là nhà ở truyền thống. Hiện nay, kiểu nhà sàn vẫn phổ biến trong bộ phận người Giáy ở Hà Giang, còn bộ phận ở Lào Cai và Lai Châu ở nhà đất nhưng phía trước nhà vẫn là sàn phơi. Nhà thường có 3 gian, bàn thờ đặt ở gian giữa.

Phương tiện vận chuyển: Họ gánh bằng dậu, dùng ngựa thồ, trâu kéo.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Giáy có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Tầng lớp trên là những chức dịch trong bộ máy chính quyền ở xã, thôn bản, nhiều người được hưởng ruộng công do dân cày cấy, có rừng thảo quả do dân trồng, có lính phục dịch, có người lo việc tang, việc cưới, đôi khi có cả đội xoè. Nông dân, ngoài đóng thuế còn phải làm lao dịch và cống nạp cho các chức dịch.

Cưới xin: Gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để "đánh dấu". Trong lễ cưới ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng họ hàng gần; mỗi người một con gà, một con vịt và một đồng bạc trắng. ở người Giáy cũng có tục kéo vợ như người Mông.

Sinh đẻ: Khi có thai phụ nữ phải kiêng nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc (sợ đẻ ngược), không đến đám tang hay nơi thờ cúng (sợ mất vía). Gần đến ngày đẻ, họ phải cúng mụ. Trẻ đầy tháng cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết đi.

Ma chay: Người Giáy cho rằng khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng cùng với tổ tiên, nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo... Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.

Thờ cúng: Bàn thờ đặt ở gian giữa, thường có ba bát hương theo thứ tự từ trái sang phải thờ táo quân, trời đất và tổ tiên. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ. Phía dưới bàn thờ lớn ngay trên mặt đất đặt một bát hương cúng thổ địa, ở hai bên cửa chính có hai bát hương thờ thần giữ cửa.

Lễ tết: Người Giáy ăn Tết như các dân tộc ở vùng Ðông Bắc: Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ....

Lịch: Người Giáy theo âm lịch.

Học: Người Giáy chưa có văn tự, chỉ có một số rất ít người biết chữ Hán.

Văn nghệ: Trong kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao... Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là "vươn" hay "phướn" hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm