Đồng bào dân tộc Cống rộn ràng đón Tết hoa

Đồng bào dân tộc Cống rộn ràng đón Tết hoa
Thầy cúng gõ một hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Thầy cúng gõ một hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Ngay từ sáng sớm 30/11, khi những giọt sương còn đọng trên lá, đồng bào Cống ở các bản Si Văn, Huổi Moi và Púng Bon đã tập trung tại bản Púng Bon để đón Tết hoa. Con đường chính dẫn vào bản Púng Bon ngập tràn sắc đỏ của hoa mào gà (người Cống gọi là Bạt loong). Hoa mào gà được người dân hái trên nương. Theo quan niệm của người Cống, khi mùa gặt kết thúc, hoa mào gà nở rộ trên nương cũng là lúc dân bản chuẩn bị làm lễ Tết hoa. 
 
Hoa bạt loong (hay còn gọi là hoa mào gà) được cắm xung quanh nhà thầy cúng trong dịp Tết hoa. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
 Hoa bạt loong (hay còn gọi là hoa mào gà) được cắm xung quanh nhà thầy cúng trong dịp Tết hoa. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Để đón Tết hoa, trước đó khoảng gần một tháng, đồng bào dân tộc Cống đã chuẩn bị chu đáo mọi việc. Phụ nữ may cho mình bộ quần áo truyền thống  thật đẹp, tập luyện các tiết mục văn nghệ. Các chàng trai rèn luyện sức khỏe để so tài trong ngày Tết. 
 
Các gia đình dâng lễ vật cúng chung tại nhà thầy cúng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Các gia đình dâng lễ vật cúng chung tại nhà thầy cúng.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Tết hoa gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà của thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Các lễ vật, đồ cúng được người dân trong bản dâng lên gồm hai con chuột, hai con cá khô, thịt sóc khô, ngoài ra còn có khoai sọ, sắn và hoa quả thu hái được trên nương… Đặc biệt lễ vật để cúng tế không thể thiếu hoa mào gà bởi loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Khi mọi lễ vật đã đầy đủ, mâm lễ thịnh soạn được đặt dưới cây mào gà. Đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết hoa bắt đầu. Thầy cúng thắp nhang và gọi thần thổ địa, tổ tiên, mẹ lúa về chứng kiến. Trong bài khấn, thầy cúng thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, may mắn, an lành… Làm lễ khấn xong, thầy cúng nâng chén rượu đầu tiên chúc mọi người sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, mời mọi người uống rượu cần được ủ bằng nếp mới và phá cỗ. 
 
Các lễ vật dâng cúng tổ tiên, thần linh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Các lễ vật dâng cúng tổ tiên, thần linh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, thần linh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, thần linh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, thần linh uống rượu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, thần linh uống rượu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đêm đến, khi vầng trăng đã chênh chếch phía đầu bản, người dân và du khách bước vào phần hội. Tất cả dân làng, du khách tập trung ở bãi đất rộng cùng nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng. Vừa ca múa, mọi người vừa cầm những hạt thóc ném ra xung quanh. Sau một đêm nhảy múa tưng bừng, đến sáng sớm hôm sau, các chàng trai người Cống khỏe mạnh tập trung so tài ở các môn thể thao truyền thống của dân tộc Cống như: Đánh cù, đẩy gậy, kéo co... 

Anh Phạm Đức Long, du khách đến từ thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Lần đầu tiên, anh được tham gia Tết hoa của đồng bào dân tộc Cống. Anh và các thành viên trong gia đình thấy có nhiều điều rất độc đáo. 

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn xã Pa Thơm có gần 50 hộ.  Đối với đồng bào dân tộc Cống, Tết hoa là ngày lễ rất quan trọng trong năm. Tết hoa được tổ chức cũng là dịp để đồng bào dân tộc Cống sinh sống trên địa bàn tiếp tục phát huy những nét đẹp văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết trong dân bản.
 
Văn Dũng- Xuân Tiến 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm