Độc đáo tập quán dựng nhà của người Chơ Ro

Độc đáo tập quán dựng nhà của người Chơ Ro
Bằng những nguyên liệu của thiên nhiên mà núi rừng ban tặng, với đôi bàn tay khéo léo, ngườ Chơ Ro đã cất lên được những ngôi nhà sàn độc đáo mang bản sắc riêng. Việc dựng một ngôi nhà sàn đòi hỏi không ít thời gian và nhân công, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên vật liệu.
 Tập quán dựng nhà của người Chơ Ro

Các loại gỗ rừng, để nguyên cây dùng làm cột nhà; các loại tre, nứa, lồ ô,..dùng đan vách và sàn nhà; Lá trung quân, cỏ tranh dùng để lợp mái,dây mây để buộc. Đặc biệt, về nguyên liệu gỗ làm cột nhà phải thẳng, không có các dây leo bám tren thân cây.

Theo quan niệm của người Chơ Ro, nếu chọn cây có dây leo bám xung quanh để làm cột nhà thì cuộc sống gia đình sẽ không thoải mái hay bị ràng buộc. Việc quan trọng trong tập quán dựng nhà của người Chơ Ro chính là phải chọn đất để xem hướng nhà. Đất được chọn thường là nơi gần suối, tiện cho việc sinh hoạt thường ngày của gia đình sau này.

Theo tục lệ, trước khi dựng nhà người dân vạch một đường thẳng nhỏ, xếp bảy hạt gạo trên đường thẳng đó rồi lấy bát úp lại. Sáng hôm sau, nếu bảy hạt còn nguyên vẹn, không xê dịch thì đất đó tốt, dựng nhà được. Người Chơ Ro cho rằng đất ở đó yên ổn, không có các côn trùng gây hại như mối mọt và là điềm báo sự đồng ý của thần linh.

Người Chơ Ro thường làm nhà vào mùa khô để ngôi nhà được chắc chắn, thuận lợi trong việc tiến hành làm nhà. Trong vòng 4 tuần, với những dụng cụ đơn giản như chà gạc, dao côi, búa, những bàn tay khéo léo của những người thợ không chuyên nơi đây đã tạo dựng được một ngôi nhà sàn.
 

Hướng của cửa nhà là hướng bắc hoặc hướng nam, để hàng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Nhà ở thường vuông góc với hướng di chuyển của mặt trời. Người Chơ Ro không làm cửa hướng tây hoặc hướng đông, vì như vậy, mặt trời sẽ đi dọc theo chiều dài căn nhà, các gia đình trong nhà sẽ nóng bức, đau ốm thường xuyên...

Trong nhà là sự quần trú của đại gia đình nhiều thế hệ. Sự phân chia chỗ ở cho thành viên được quyết định bởi người chủ gia đình, thường theo thứ tự đầu nhà phía đông hay phía đầu tiên cho người lớn tuổi.Nhà bếp thường đặt phía trái cửa vào của nhà sàn. Khi bước vào nhà là gian bếp, phòng chung (tụ họp gia đinh và đón khách), kế đến là các gian buông của các thành viên được chia ngăn.

Những biến đổi trong tập quán dựng nhà của người Chơ Ro hiện nay

Tập quán ngày nay có nhiều thay đổi. Ngôi nhà sàn của người Chơ Ro thường được dựng theo hai công đoạn. Công đoạn đầu tiên là dựng mái nhà. Khi dựng bộ khung mái nhà, người dân nối các thanh tre tạo thành những vì kèo bằng dây mây chằng khít, chặt và đẹp. Kèo trên mái nhà phải được buộc đều theo một phía: hoặc cùng bên phải, cùng bên trái, nếu không mọi người trong gia đình hay mâu thuẫn.

Số lượng lớp lá lợp mái phải là số lẻ, không được chẵn. Người dân quan niệm “sinh, thọ, lão, tử”, vì vậy số lượng lớp mái phải tránh số chẵn. Sau đó là việc lắp ráp bộ khung nhà trên nền đất bằng phẳng, tiếp đó kèo của mái nhà được đặt khớp với các đầu cột đã được dựng sẵn.

Khi khung nhà đã tương đối hoàn chỉnh, người ta tiến hành hoàn thiện các phần còn lại của ngôi nhà. Sàn nhà được làm bằng thân tre đập dập, trải ngang đều trên khung sàn nhà, dùng dây mây buộc cho chắc chắn. Dọc theo chiều dài của sàn nhà, ngoài các đà ngang, dọc đã được dựng sẵn, người ta đặt một thanh gỗ lớn, phẳng lệch về phía Tây, mọi người trong dòng họ và gia đình đi lại trên thanh gỗ này để tránh tiếng động, làm phiền đến người khác.

Vách nhà cũng được làm bằng thân tre, đập dập và cột bằng dây mây. Vách nhà của người Chơ Ro khá độc đáo, thường được đặt nghiêng khoảng 15 độ, mục đích đặt nghiêng như vậy để làm chỗ dựa lưng khi ngồi. Trên nhà sàn của người Chơ Ro không có bàn ghế, họ dựa lưng vào vách nhà để ngồi nói chuyện, uống nước. Đồng thời, dọc theo vách ngang tầm mắt người ngồi được để hở để đón nhận ánh sáng, lưu thông không khí và nhìn ra phía ngoài.

Bàn thờ thần thường được bố trí ở giữa ngôi nhà, hướng mặt trời mọc. Bếp của mỗi gian nhà được đặt ở góc bên trái, phía Tây Đặc biệt, phía cửa ra vào của mỗi ngôi nhà thường treo tổ ong vò vẽ khô (không còn ong). Theo lý giải của người dân, khi con ma định vào nhà làm hại gia đình, nó sẽ nhìn thấy tổ ong đầu tiên. Con ma sẽ đếm các lỗ của tổ ong trước, tổ ong có nhiều lỗ nên con ma sẽ khó đếm và dẫn đến việc đếm nhầm, phải đếm đi đếm lại nhiều lần, đến khi trời đã sáng vẫn đếm chưa xong, không vào nhà quấy phá gia đình được.

Trong suốt quá trình làm nhà, gia đình chủ nhà thường có 2 lần làm lễ cúng thần đất và tổ tiên. Lần thứ nhất và lần thứ hai là khi việc cất nhà hoàn thành. Nhà sàn dài là nơi sinh sống của các dòng họ trong cộng đồng người Chơ Ro.

Đối với đồng bào Chơ Ro, ngôi nhà sàn không chỉ mang giá trị vật chất mà con ẩn chứa trong đó nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt tạo nên một nét văn hóa nhà sàn mang tính cộng đồng, độc đáo.

Theo Langvietonline.vn
Dân tộc Chơ Ro Dân tộc Chơ Ro

Tên gọi khác: Châu Ro, Dơ Ro, Chro, Thượng.

Dân số: 26.855 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Họ là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Ðông Dương.

Hoạt động sản xuất: Người Chơ Ro chủ yếu làm rẫy, canh tác theo lối phát đốt rồi chọc lỗ tra hạt. Cách phân bố các loại cây trồng trên rẫy khá độc đáo. Vòng ngoài cùng của rẫy thì trồng một số loại cây dây leo như: bầu, bí, mướp, đậu ván... vòng trong trồng sắn. Toàn bộ diện tích còn lại phía trong là trồng lúa có xen canh vừng. Hiện nay, ngoài lúa rẫy, một số nơi đã làm ruộng nước có trâu cày. Việc săn bắn, hái lượm thường tập trung vào thời gian nông nhàn (khoảng tháng 6, 7 âm lịch). Nghề làm vườn, chăn nuôi trong gia đình và thủ công nghiệp chưa phát triển. Chỉ có nghề đan lát bằng tre, mây nứa là phổ biến. Trước đây một số người Chơ Ro đã là phu đồn điền nhưng chỉ với tư cách là những thợ rừng, họ vẫn có rẫy để canh tác.

Ăn: Người Chơ Ro ăn cơm tẻ là chính, hút thuốc lá sợi bằng tẩu. Thức uống có rượu cần. Nam nữ đều ưa thích ăn trầu cau.

Mặc: Xa xưa đàn ông đóng khố, đàn bà quấn váy tấm. Mùa hè ở trần hay mặc áo cánh ngắn, mùa lạnh thường khoác trên mình một tấm chăn. Nhưng ngày nay, đại đa số người Chơ Ro đã ăn mặc theo lối của người Việt cùng địa phương. Ðiều mà khách qua đường có thể nhận biết được người Chơ Ro là họ thường cõng trên lưng một cái gùi. Ðàn bà thường đeo ở cổ những chuỗi hạt cườm ngũ sắc hoặc vòng đồng, vòng bạc hay nhôm. Thiếu nữ thường mang kiềng, dây chuyền và đeo vòng tai rộng vành.

: Hiện nay, người Chơ Ro sống tập trung ở vùng núi thấp thuộc tây nam và đông nam tỉnh Ðồng Nai. Nơi có số người Chơ Ro cư trú nhiều nhất là các xã: Xuân Bình, Xuân Trường, Xuân Thọ, Xuân Phú thuộc huyện Xuân Lộc; rồi thứ đến là các xã Hắc Dịch, Phước Thái, Ngãi Dao, Bàu Lâm thuộc huyện Châu Thành. Rải rác tại Sông Bé (tỉnh Sông Bé từ năm 1997 đã được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước) và Bà Rịa, ven quốc lộ 15 cũng có một số gia đình Chơ Ro sinh sống. Trước khi có mặt tại những địa điểm nói trên, họ đã từng cư trú chủ yếu tại Bà Rịa - Long Khánh. Từ giữa thế kỉ XX trở lại đây, người Chơ Ro tiếp thu ngày càng mạnh mẽ văn hoá - nếp sống của người Việt ở miền Ðông Nam bộ. Trước đây, họ ở trên những ngôi nhà sàn cao, cửa ra vào mở ở đầu hồi. Ðến nay phổ biến ở nhà đất. Họ đã tiếp thu lối kiến trúc nhà cửa người nông dân Nam bộ: nhà có vì kèo. Nét xưa còn giữ được trong ngôi nhà là cái sạp nằm, chiếm nửa diện tích theo chiều ngang và dài suốt từ đầu đến cuối phần nội thất. Một số nhà có tường xây, mái ngói.

Phương tiện vận chuyển: Phương tiện vận chuyển chủ yếu của người Chơ Ro là cái gùi đan bằng tre, mây, cõng ở trên lưng.

Quan hệ xã hội: Trong cơ cấu xã hội Chơ Ro, các quan hệ của gia đình mẫu hệ đã tan rã nhưng quan hệ của gia đình phụ hệ chưa xác lập được. Tính chất gia đình song phương có nhiều biểu hiện, quyền thừa kế tài sản vẫn thuộc về người con gái. Trong gia đình, nữ giới vẫn được nể vì hơn nam giới. Xã hội mới manh nha có sự phân hoá về tài sản. Trong một làng gồm có nhiều dòng họ cùng cư trú.

Cưới xin: Việc lấy chồng, lấy vợ của người Chơ Ro tồn tại cả hai hình thức: nhà trai đi hỏi vợ hoặc nhà gái đi hỏi chồng. Hôn lễ tổ chức tại nhà gái, sau lễ thành hôn thì cư trú phía nhà vợ, sau vài năm sẽ dựng nhà ra ở riêng.

Ma chay: Người Chơ Ro theo tập quán thổ táng. Mộ phần được đắp cao lên theo hình bán cầu. Trong 3 ngày đầu, người ra gọi hồn người chết về ăn cơm; sau đó là lễ "mở cửa mả" với 100 ngày cúng cơm. Tập quán dùng vàng mã đã xuất hiện trong tang lễ của người Chơ Ro và hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người ta đi tảo mộ như người Việt ở địa phương.

Nhà mới: Lễ khánh thành nhà mới luôn là dịp chia vui giữa gia chủ với dòng họ và buôn làng.

Lễ tết: Ngày cúng thần lúa là dịp lễ trọng hàng năm. Các loại bánh như: bánh tét, bánh ống và bánh giầy trộn vừng được mọi nhà chế biến để ăn mừng và tiếp khách. Lễ cúng thần rừng được tổ chức như một dịp hội làng và hiện nay, cứ 3 năm một lần nghi lễ này lại được tổ chức trọng thể.

Lịch: Người Chơ Ro cũng có nông lịch riêng theo chu kỳ canh tác rẫy và căn cứ vào tuần trăng.

Học: Xã hội truyền thống Chơ Ro chưa có chữ viết. Việc học hành truyền bá kiến thức cho thế hệ sau theo lối truyền khẩu.

Văn nghệ: Vốn văn nghệ dân gian chỉ còn một vài điệu hát đối đáp trong những dịp lễ hội, họ cất lên lời khẩn cầu Thần lúa và hiện nay rất ít người biết đến. Nhạc cụ đáng lưu ý đến là bộ chiêng đồng 7 chiếc gồm 4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn. Ngoài ra, đàn ống tre, sáo dọc còn thường thấy ở vùng núi Châu Thành.

Chơi: Trẻ em thích chơi kéo co, cướp cành lá, bịt mắt bắt nhau, thả diều và đánh cù.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm