Độc đáo lễ cầu sức khỏe của người Xê Đăng

Độc đáo lễ cầu sức khỏe của người Xê Đăng
Phải lâu lắm rồi, làng Kon Kpong mới được “say” với lễ hội đến vậy. Gác lại những công việc sản xuất thường ngày, cả làng tất bật chuẩn bị cho lễ cầu sức khỏe. Già làng A Búa cho biết: Lễ hội cầu sức khỏe của đồng bào Xê Đăng ở làng Kon Kpong lâu nay vẫn được người dân tổ chức dưới góc độ gia đình, vật hiến tế chỉ là heo hoặc gà; ở góc độ cộng đồng làng, phải đến hơn 20 năm rồi, làng mới tổ chức trở lại.
 
 
Nghi lễ cúng thức ăn chín cho Yàng.
Nghi lễ cúng thức ăn chín cho Yàng. 

Lễ hội đâm trâu cầu sức khỏe của người Xê Đăng trải qua rất nhiều nghi lễ, kéo dài đến 4 ngày. Để chuẩn bị cho lễ hội, mặc cho cái nắng tháng 3 Âm lịch như thiêu đốt, bà con dân làng Kon Kpong cùng nhau tập trung đông đủ ở nhà rông đảm nhận những phần việc theo sự phân công của già làng. Phía trước nhà rông, đàn ông, thanh niên làng Kon Kpong gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc trang trí 3 cây nêu chuẩn bị dựng trước nhà rông để cột những con vật sẽ hiến tế cho Giàng (trâu, heo, dê).

Khi mặt trời vừa khuất núi, trong tiếng hô vang của già A Búa và tiếng tung hô của dân làng, những người đàn ông, thanh niên lực lưỡng của làng đã nhanh chóng dựng cây nêu lớn nhất, cao chót vót bằng mái nhà rông; những cây nêu nhỏ hơn cũng được dựng lên ngay sau đó. Già Y Xan (70 tuổi) trong trang phục truyền thống dắt con trâu béo khỏe ra buộc vào gốc cây nêu lớn nhất, còn heo, dê được buộc vào 2 gốc cây nêu nhỏ còn lại. Xong đâu đó, theo hiệu lệnh của già làng, lễ “khóc trâu” bắt đầu trong tiếng cồng trầm hùng và điệu xoang uyển chuyển. Với người Xê Đăng, lễ cầu sức khỏe diễn ra rất công phu và thiêng liêng. Già A Búa cho biết: Lễ cầu sức khỏe của làng diễn ra trong 4 ngày, ngày đầu tiên của lễ hội, dân làng làm lễ báo tin cho thần linh; ngày thứ 2 chọn người làm chủ lễ để cùng với già làng đứng ra chỉ đạo việc tổ chức lễ hội; ngày thứ 3 diễn ra lễ đâm trâu với nhiều nghi lễ độc đáo; ngày thứ 4 hạ đầu trâu mang vào nhà rông.

Trong ngày đầu tiên của lễ hội, dân làng Kon Kpong tụ hội lên nhà rông, mang theo lễ vật gồm 1 con gà trống và 1 ghè rượu. Tại đây, già làng cầu khấn báo cáo với thần sông, thần suối, thần núi, thần đất biết dân làng Kon Kpong sắp tổ chức lễ hội. Xong nghi lễ báo cáo thần linh, bà con ai về nhà nấy. Đến tờ mờ sáng ngày hôm sau, bà con về lại nhà rông để chứng kiến già làng làm lễ bốc thăm chọn người đứng ra làm chủ lễ cùng với già làng lo liệu mọi việc; chọn người dắt trâu để làm vật hiến tế cho thần linh… Lễ vật làm lễ bốc thăm cũng gồm 1 con gà và 1 ghè rượu. Vì là lễ hội cầu sức khỏe nên những người được chọn để làm chủ lễ và người dắt trâu đều là những người “trong sạch”, có sức khỏe, đạo đức tốt. Xong đâu đấy, chủ lễ cùng chọn một số trai làng vào rừng chặt cây về dựng cây nêu...

Ngày thứ 3 được xem là ngày chính thức diễn ra lễ hội với rất nhiều nghi lễ độc đáo. Khi mặt trời vừa lóe tia nắng đầu tiên, nghi lễ đâm trâu chính thức bắt đầu và diễn ra rất nhanh chóng, bà con đánh cồng, múa xoang, già làng cầu khấn thần linh phù hộ cho dân làng sức khỏe; nguồn đất, nguồn nước mát lành để mùa màng tươi tốt, cuộc sống bà con ngày càng sung túc. Sau nghi lễ, bà con dân làng tiếp tục đánh cồng, múa xoang; thanh niên trong làng chế biến những món ăn truyền thống, riêng đầu các con vật được đặt lên giàn thiên (lập dưới gốc cây nêu chính). Đúng trưa, sau khi thịt các con vật hiến tế được nấu chín đặt tượng trưng lên giàn thiên, già làng và chủ lễ tiếp tục làm lễ cúng Giàng. Già A Búa cho biết: Đây là nghi lễ rất độc đáo của người Xê Đăng với quan niệm nồi cơm liên quan đến sức khỏe con người (bụng có no thì mới có sức khỏe). Vì vậy, nồi cơm cúng được già làng nhóm bếp nấu ở một góc trên nhà rông, không ai được tự ý đụng vào cho đến lúc mang ra cúng.

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, dân làng Kon Kpong rũ bỏ hết mọi lo toan của cuộc sống thường ngày để hòa mình vào lễ hội. Theo những người già trong làng kể lại, ngày xưa, người Xê Đăng ở làng Kon Kpong còn ở trên núi cao, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Nhiều năm, nạn đói, bệnh tật xảy ra liên miên khiến cả làng đau bệnh, từ đó dân làng mới tổ chức lễ hội đâm trâu cầu sức khỏe để cầu mong thần linh phù hộ. Sau giải phóng, làng Kon Kpong được di dời về nơi ở mới hiện nay và nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cái đói được đẩy lùi, việc chăm cho sức khỏe của nhân dân được quan tâm nên dịch bệnh cũng không còn hoành hành. Thế nhưng, khi có điều kiện, bà con dân làng vẫn tổ chức lễ hội đâm trâu cầu sức khỏe để gìn giữ nét văn hóa truyền thống.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm