Độc đáo chiếc mũ của trẻ em Nùng An

Độc đáo chiếc mũ của trẻ em Nùng An
Người Nùng An quan niệm rằng, trẻ con mới sinh ra không nên cho mặc đồ mới, lớn lên chúng sẽ đua đòi, và quần áo cũ thì vải đã mềm, thoáng, rất tốt cho trẻ nhỏ. Khi đứa trẻ được một, hai tuổi người ta cắt quần áo đơn giản theo một kiểu chung không phân biệt nam hay nữ. Đến lúc lên 5 - 6 tuổi, người mẹ bắt đầu cắt may quần áo nhằm phân biệt nam nữ cho con. Cũng ở độ tuổi này, các bà mẹ bắt đầu thiết kế những chiếc mũ riêng, nhằm phân biệt giới tính giữa các đứa trẻ.
 
Phụ nữ Nùng An, xóm Khào A, xã Phúc Sen thêu mũ trẻ em
Phụ nữ Nùng An, xóm Khào A, xã Phúc Sen thêu mũ trẻ em

Một chiếc mũ của trẻ em người Nùng An được làm rất cầu kì và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Thông thường, khoảng giữa tháng 8 và tháng 9, phụ nữ Nùng An sẽ tiến hành dệt vải, nhuộm chàm. Những tấm vải được dệt sẵn từ năm trước sẽ được lấy ra, cắt đo để may những chi tiết của bộ trang phục dân tộc cho kịp Tết.

Chiếc mũ của trẻ em Nùng An được kết bởi 8 mảnh vải hình thang lại với nhau. Mỗi mảnh vải nhỏ lại được trang trí bởi những họa tiết và hoa văn riêng. Mũ của trẻ em gái thì có họa tiết khác với trẻ em trai. Chiếc mũ được may bởi 2 lớp, một lớp vải xô chưa nhuộm chàm bên trong và một lớp vải chàm bên ngoài. Phần vành mũ được chia làm 3 tầng khác nhau. Tầng dưới cùng là một mảnh vài chàm dài 30 - 35 cm, dày khoảng 5 - 6 cm được khâu cẩn thận từng múi bằng chỉ trắng. Phần này có chức năng tạo hình cho chiếc mũ của trẻ. Phần vành mũ thường vuông vắn, nên còn có ý nghĩa là mặt đất. Người Nùng An quan niệm: Con người sinh ra từ đất, nhờ cây cỏ trên mặt đất mà lớn lên, sau cùng cũng trở về với đất. Vì vậy, phần vành mũ của trẻ con còn thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và cầu mong được chở che bởi mặt đất.

Tầng thứ hai của vành mũ là một mảnh vải đỏ, dày khoảng 0,5 - 1 cm được khâu khéo léo bằng chỉ màu vàng, óng ánh. Đây là phần kết nối chính của vành mũ. Là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt giữa người Nùng An với các dân tộc khác. Màu đỏ được cho là màu may mắn, chỉ được người Nùng sử dụng trong các dịp lễ, tết, thờ cúng ông bà, tổ tiên. Chỉ vàng thể hiện sự giàu sang, phú quý. Phần này thể hiện ước mong của người lớn tới đứa trẻ, mong trẻ lớn lên sẽ có cuộc sống giàu sang, may mắn.

Tầng thứ ba của chiếc vành mũ là một miếng vải màu xanh dương, dày khoảng 3 - 4 cm. Đây là phần trên cùng của vành mũ, nối các mảnh vải hình thang nhỏ lại với nhau. Phần này được khâu bằng chỉ trắng, chìm bên trong không hiện mũi khâu. Màu xanh dương ở đây thể hiện cho nước. Người Nùng An quan niệm rằng, một cuộc sống hài hòa là phải có đủ đất và nước. Chính vì thế ở chiếc mũ trẻ con, kết cấu của phần vành mũ này còn có ý niệm mong ước đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ có cuộc sống yên bình, sung túc.

Sau phần vành mũ là thân mũ, phần thân mũ được kết với nhau bởi 8 mảnh vải hình thang, mỗi miếng vải lại được tỉ mỉ thêu tay bằng những họa tiết riêng. Những họa tiết trên thân mũ là điểm nhấn để phân biệt giữa mũ của trẻ em trai và trẻ em gái. Mũ của trẻ em gái được thêu bằng những họa tiết "vả tum", "vả cổ", là hình ngôi sao 8 cánh, 6 cánh và 4 cánh. Còn mũ của trẻ em trai lại được thêu bằng những họa tiết "mạc lầy", với hình ngôi sao 8 cánh ở giữa và có 8 hình tròn xung quanh. Tông màu chủ đạo của các họa tiết này là hồng, xanh lá cây và xanh dương. Phần thân mũ được tạo hình cầu, không quá nhọn về phía chóp mũ, mũ ôm sát thóp của đứa trẻ. Giữ ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè.

Phần cuối cùng của chiếc mũ chính là phần chóp. Phần chóp của mũ trẻ em trai cũng khác với trẻ em gái. Nếu như mũ của trẻ em trai chỉ là một chiếc núm hình tròn thì của trẻ em gái sẽ là một hình tròn dẹp, được thêu thùa hết sức tỉ mỉ, cầu kì.

Chị Phùng Thị So, xóm Khào A, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên chia sẻ: Làm mũ trẻ em nhìn tuy đơn giản nhưng lại cầu kì, phức tạp hơn trang phục của người lớn rất nhiều. Đặc biệt, trong nhà phải có trẻ con đã sinh ra thì người Nùng An mới được phép may mũ và thêu những họa tiết trên mũ cho đứa trẻ. Chính bởi sự công phu và tỉ mỉ để tạo ra một chiếc mũ, mà hiện giá bán một chiếc mũ trẻ em của người Nùng An dao động từ 300 nghìn đồng trở lên.

Người Nùng An thường truyền lại cách may vá, thêu thùa thông qua sự tiếp nối, người mẹ dạy cho con. Người Nùng An sẽ đánh giá một cô gái có khéo léo hay không qua đường kim, mũi chỉ mà cô ấy may trang phục cho chồng và cho con, mà chiếc mũ của trẻ con lại là phần trang phục có thiết kế và họa tiết khó thể hiện nhất. Chiếc mũ có họa tiết thêu càng cẩn thận, càng đẹp thì chứng tỏ người phụ nữ ấy càng giỏi giang, khéo léo.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm