Churu: cư dân lúa nước trên cao nguyên

Churu: cư dân lúa nước trên cao nguyên

Đơn Dương là vùng thung lũng, bên cạnh những đồi núi trập trùng còn có những vùng đất tương đối bằng phẳng. Những khoảng đất bằng này tuy không rộng, không nhiều, chạy dọc đều theo những thung lũng ven núi. Định cư lâu đời ở đây, người Churu đã biến những vùng đất bằng dưới chân núi thành ruộng trồng lúa, đắp đập ngăn nước, xây dựng hệ thống mương phai dẫn nước từ sông suối vào ruộng. Từ xa xưa, bà con đã dùng các công cụ sản xuất như cày, bừa… để làm đất, dùng trâu quần những chân ruộng sình lầy cho đất nhuyễn trước khi cấy lúa. 

Bà con rất giỏi trong việc điều tiết nước phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Trong mỗi làng người Churu trước kia luôn có một ông phụ trách đập nước. Bà Touneh Ma Bio kể người phụ trách đập nước của làng Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, ngày trước chính là cậu ruột của bà. Sau khi ông mất và nhất là từ khi có đội ngũ cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con làm thủy lợi thì việc phụ trách đập nước do các cán bộ khuyến nông đảm nhiệm.

 

Người Churu chọn "ông đập nước" là những người siêng năng, cần cù, được tin tưởng nhất. Khi nước cạn là ông sẽ đi báo từng tổ, từng khu. Ông thông báo là nước của buôn làng mình khô rồi, bà con tập trung đi đắp đập vào một ngày nào đó...

Từ xa xưa, người Chu ru đã biết canh tác lúa nước. Ảnh:baolamdong.com
Từ xa xưa, người Chu ru đã biết canh tác lúa nước. Ảnh:baolamdong.com


Ông đập nước được dân làng tôn trọng và yêu quý, như ông thầy cúng, ông già làng ở trong làng. Khi thu hoạch lúa xong, các nhà đi cảm ơn ông đã giữ gìn đập nước bằng một gùi lúa nhỏ. 
 
Giỏi về canh tác lúa nước, nhiều kinh nghiệm trong việc dẫn thủy nhập điền, coi trọng công tác thủy lợi, người Churu có một lễ hội rất độc đáo là lễ cúng thần đập nước, hay còn gọi là thần Bơ-mung.

Tháng 1 của người Churu nhằm vào tháng 3 dương lịch. Thông thường, thời điểm này bắt đầu mùa mưa ở Tây Nguyên. Năm nào hết tháng 1 mà trời không mưa là bà con Churu sẽ tập hợp buôn làng tổ chức cúng thần đập nước. Ông Đặng Huệ Chí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đơn Dương, cho biết đây là một trong những nghi lễ nông nghiệp cổ truyền của dân tộc Churu, một thời gian đã bị lãng quên nhưng mới được ngành văn hóa và bà con phục dựng.
 
- Lễ cúng thần đập nước của người Churu cũng mang màu sắc của người Tây Nguyên, tức là cũng hiến tế dê. Nó giống như lễ đâm trâu của người Tây Nguyên, nhưng nhẹ nhàng hơn, êm ả hơn. Người Churu có những cây đa, cây cổ thụ bên cạnh đập nước, thì bà con thường tổ chức lễ này bên cạnh đập nước. Ví dụ, hiện nay ở P’ró, đập nước P’ró vẫn còn cây cổ thụ bên cạnh, người ta làm ở đó - ông Chí kể.
 

Già làng thực hiện nghi lễ cúng thần đập nước của người Churu. Ảnh:dantri.com
Già làng thực hiện nghi lễ cúng thần đập nước của người Churu.  Ảnh:dantri.com

Lễ vật dâng lên Giàng và thần đập nước là một con dê, 3 con gà( 1 đen, 1 trắng và 1 tía), 3 tô gạo, 3 quả trứng, 3 nải chuối. Ngoài ra còn có trái cây, rượu cần và nhiều lễ vật mà các gia đình tự nguyện đóng góp. Bà Ma Coong, ở thôn Diom A, bảo ngày cúng đập nước, dân làng phải tề tựu đông đủ, nhưng lại kiêng người lạ. Thầy cúng ngồi cạnh đập nước, ngay trước mâm lễ, dân làng ngồi phía sau.

Thầy cúng khấn: Ơi Giàng, hôm nay dân làng dâng lễ vật lên Giàng. Mong Giàng trời, Giàng đất, Giàng nước ban mưa thuận gió hòa, lúa lên xanh tốt, cho làng người Churu nhiều thóc, nhiều lúa, gặp nhiều may mắn. Người Churu sẽ đắp đập giữ nước, sẽ làm mương, làm máng cho nước chảy vào ruộng, cho dòng nước không bao giờ cạn.
 
Kết thúc lễ cúng, thầy cúng thực hiện nghi thức cầu may mắn cho từng thành viên dự lễ hội. Thầy lấy trứng gà bỏ vào mỗi tô gạo một quả, vẩy gạo nơi đặt lễ vật. Sau đó, thầy cúng lấy gạo xoa đầu mọi người, để thêm sức khỏe, để cầu may mắn cho dân làng.
 
Lễ cúng đập nước kết thúc trong tiếng cồng tiếng chiêng, trong điệu múa aria nhẹ nhàng, uyển chuyển. Lúc này, khách lạ mới có thể vào làng, chung vui với bà con. 

Bà Ma Bio và bà Ma Coong khẳng định: thường thì sau lễ cúng đập nước 1 tuần là trời sẽ mưa, nước lại tràn các đập và những thửa ruộng của người Churu.
 

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm