Các lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer

Các lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Khmer có 1.260.640 người, sống tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, …
Người Khmer vốn có truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời nhưng đặc điểm riêng biệt và độc đáo là mọi sinh hoạt văn hóa đều gắn bó với chùa chiền, tôn giáo đạo Phật. Hầu như tất cả các lễ hội lớn nhỏ trong năm đều được thực hiện tại ngôi chùa là chính. Nói đến lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, chúng ta có thể kể đến 3 lễ hội chính trong năm là: Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền (Tết năm mới), Lễ hội Sen Đôn Ta (Phchum Banh - Lễ hội cúng ông bà tổ tiên) và Lễ hội Dâng Y Kathinat. Ngoài ra còn có lễ hội Ok om bok cúng trăng, lễ Dâng bông, lễ Phật Đản, lễ hội phum sóc …

Chánh điện của một ngôi chùa cổ ở An Giang
Chánh điện của một ngôi chùa cổ ở An Giang
Những ngôi tháp chứa đựng hài cốt của các gia đình Phật tử Khmer được xây dựng trong khuôn viên chùa
Những ngôi tháp chứa đựng hài cốt của các gia đình Phật tử Khmer được xây dựng trong khuôn viên chùa
Về Tết Chol Chnam Thmay, hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Kleang, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer không có thời gian nhất định, mỗi năm mỗi ngày giờ khác nhau nhưng thường rơi vào giữa tháng 4 dương lịch. Tết Chol Chnam Thmay được tổ chức 3 ngày 3 đêm có thể bắt đầu từ 13/4 hoặc 14/4. Những ngày này bà con tề tựu về chùa để làm lễ, dâng cơm cho sư , tụng kinh và tổ chức vui chơi những trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, bịt mắt bắt dê, ném chhuông (ném coòng)… Ngày thứ ba là lễ tắm Phật và làm lễ cầu siêu tại tháp lưu hài cốt những người thân đã mất. Ở nhà thì bà con làm mâm cơm nước cúng cho ông bà tổ tiên và làm những thức ăn ngon cho ông bà cha mẹ dùng. Đây là dịp để mọi người sum họp và gặp gỡ nhau sau một năm lao động mệt nhọc, ngoài sum họp họp gia đình còn được gặp gỡ bà con xóm giềng cùng chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cùng vui chơi và thưởng thức các món ăn vui vẻ với nhau. Tết Chol Chnam Thmay có nghĩa là Tết năm mới, mọi người cầu mong sang năm mới mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, những gì còn thiếu sót cũng như những muộn phiền trong năm cũ sẽ tiêu tan hết, điều may mắn sẽ đến.

Hòa thượng Tăng Nô đang kể về tết Chol Chnam Thmey
Hòa thượng Tăng Nô đang kể về tết Chol Chnam Thmey
Khung cảnh hành lễ trong ngôi chùa của Phật tử và sư sãi Khmer
Khung cảnh hành lễ trong ngôi chùa của Phật tử và sư sãi Khmer
Tắm Phật trong ngày tết Chol Chnam Thmey
Tắm Phật trong ngày tết Chol Chnam Thmey

Về lễ hội Sen Đôn Ta, hòa thượng Thạch Hà, trụ trì chùa Monivongsa Bopharam, phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết: Lễ hội Sen Đôn Ta (lễ cúng ông bà tổ tiên) được tổ chức trong 15 ngày bắt đầu từ ngày 1-15 tháng 10 âm lịch Khmer, ngày thứ 15 là ngày Phchum (Ngày Hội). Lễ hội này là nhằm thể hiện hiếu đạo của con cái với cha mẹ, ông bà tổ tiên vì vậy dù con cháu đi làm ăn nơi xa xôi nào cũng phải sắp xếp để về sum họp gia đình vào ngày cuối cùng của lễ. Hàng ngày, bắt đầu từ ngày thứ nhất bà con tề tựu về chùa làm cơm, bún, cháo, … dâng các vị sư dùng và đọc kinh hồi hướng đến vong linh những thân đã khuất nhận được phước báu, có cái ăn cái mặc ở nơi chín suối. Ngoài ra, mỗi sáng sớm khoảng 4 giờ, bắt đầu từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 14, bà con phật tử nấu xôi nếp với đậu xanh vắt thành cục nhỏ nhỏ đặt quanh chánh điện và nhà sư thì tụng kinh với mong muốn những vong linh bơ vơ không người thân thuộc cũng có thể nhận được thức ăn, không phải đói khát trong một năm. Lễ hội Sen Đôn Ta có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, người Khmer tổ chức lễ hội này không chỉ để tưởng nhớ đến công ơn những người đã khuất mà còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà còn sống. Đây là dịp để con cái bày tỏ lòng tôn kính, hiếu đạo của mình đối với đấng sinh thành, những thứ ngon vật lạ con cái làm cho cha mẹ dùng, cung phụng tiền bạc, sắm sửa quần áo mới cho cha mẹ. Lễ hội còn tổ chức vui chơi, múa hát những làn điệu truyền thống Khmer tại chùa cũng như tại các gia đình.

Hòa thượng Thạch Hà, trụ trì chùa Monivongsa Bopharam ở phường 1, thành phố Cà Mau kể về Lễ hội Phchum
Hòa thượng Thạch Hà, trụ trì chùa Monivongsa Bopharam ở phường 1, thành phố Cà Mau kể về Lễ hội Phchum
Lễ hội đua bò ở An Giang được lồng ghép vào Lễ hội Sen Đôn Ta
Lễ hội đua bò ở An Giang được lồng ghép vào Lễ hội Sen Đôn Ta
Một góc chùa Monivongsa Bopharam, phường 1, thành phố Cà Mau
Một góc chùa Monivongsa Bopharam, phường 1, thành phố Cà Mau 

Về lễ hội Dâng Y Kathinat, đại đức Sơn Diễn, phó trụ trì chùa Kompi Preak Chrou (Chùa Xiêm Cán), xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Lễ hội Dâng Y Kathinat là một lễ hội lớn và quan trọng trong Phật giáo cũng như trong cộng đồng người Khmer. Lễ này được tổ chức trong vòng 1 tháng (29 ngày) từ ngày 01/10 đến ngày 30/11 âm lịch Khmer, sau khi kết thúc 3 tháng nhà sư an cư kiết hạ. Dù lễ hội được diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng mỗi chùa chỉ được chọn 1 ngày duy nhất để tổ chức. Theo quan niệm nhà Phật, những ai thành tâm tham gia đóng góp cúng giường cụ thể là bộ áo cà sa dâng cho nhà sư là tạo được nhiều phúc báu nhất, tùy theo khả năng của mỗi người dân mà đóng góp. Vì vậy lễ hội mang ý nghĩa đối với những vị sư sau khi nhập hạ 3 tháng, trong năm cần có bộ áo cà sa mới để thay đổi bởi nhà sư không tự trang bị cho mình được và dịp này cũng tích công đức cho đời. Ngoài ra, người dân tham gia lễ hội còn dâng cúng nhà chùa những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt thường ngày để nhà sư có thứ để sử dụng như tủ, bàn, ghế, chén, đĩa, nồi … và tiền để tôn tạo, sửa sang chùa, chi phí khác khi cần thiết.

Đại đức Sơn Diễn giới thiệu nông cụ của người Khmer được trưng bày tại chùa Kompi Preak Chrou (chùa Siêm Cán), tỉnh Bạc Liêu
Đại đức Sơn Diễn giới  thiệu nông cụ của người Khmer được trưng bày tại chùa Kompi Preak Chrou (chùa Siêm Cán), tỉnh Bạc Liêu

Các lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer ảnh 10

Một góc chùa Kompi Preak Chrou (chùa Siêm Cán), tỉnh Bạc Liêu
Nhà truyền thống làm bằng gỗ quý dùng để trưng bày vật dụng của cộng đồng người Khmer tại khuôn viên chùa Siêm Cán
Nhà truyền thống làm bằng gỗ quý dùng để trưng bày vật dụng của cộng đồng người Khmer tại khuôn viên chùa Siêm Cán

Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Khmer, mỗi khi tổ chức lễ hội dù lớn hay nhỏ đều tấp nập bà con phật tử hội tụ về đây. Ngoài việc hành lễ, bà con còn tổ chức vui chơi, múa hát, hàn thuyên với nhau làm cho tình đoàn kết cộng đồng, làng xóm càng thêm bền chặt.

Một lễ hội Phum Sóc địa phương của đồng bào Khmer
Một lễ hội Phum Sóc địa phương của đồng bào Khmer
Một buổi học song ngữ Việt - Khmer tại trường Pali Nam Bộ trong khuôn viên chùa Kleang, tp Sóc Trăng
Một buổi học song ngữ Việt - Khmer tại trường Pali Nam Bộ trong khuôn viên chùa Kleang, tp Sóc Trăng
Một công trình xây dựng chánh điện mới trên đồi Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang
Một công trình xây dựng chánh điện mới trên đồi Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang

Thạch RoBer

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm