Buộc chỉ cổ tay - nghi thức cầu an của đồng bào Thái

Buộc chỉ cổ tay - nghi thức cầu an của đồng bào Thái
Thầy Mo Lò Văn Xuân (Con Cuông, Nghệ An) cho biết: Người Thái quan niệm, thực thể mỗi con người đều tồn tại hồn vía song hành và được coi là một thực thể siêu hình vô cùng quan trọng. Hồn vía con người luôn gắn bó với thân xác của cuộc sống đích thực, của đời người bắt đầu từ lúc sinh đến khi trở về cõi vĩnh hằng.
Người Thái còn cho rằng, đàn ông Thái có 7 hồn vía, đàn bà Thái có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì những người đàn ông và đàn bà đó sẽ không còn tồn tại đích thực trên thế gian, hoặc người đó bị lạc đi vài vía thì sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và không gặp lành trong cuộc sống.
Khi bước chân lên cầu thang nhà sàn người Thái, ta sẽ thấy một chiếc giỏ dán giấy màu đặt nơi quá giang của nhà sàn. Đó chính là “bồ đựng vía”, nơi để vía từng thành viên trong gia đình trú ngụ. Có nơi bồ vía được trú ngụ trong mô hình một ngôi nhà sàn nhỏ đặt nơi quá giang hay trong khu vườn sau nhà.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cho trẻ nhỏ.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cho trẻ nhỏ.

Cũng xuất phát từ quan niệm đó, người Thái cho rằng trẻ nhỏ vía còn non nớt, nên gia đình, dòng tộc tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay khi trẻ tròn một tháng tuổi, còn gọi là buộc vía. Khi đó, trẻ được gắn, đeo một chiếc vòng vía bằng bạc nguyên chất trên cổ hoặc cổ tay, cổ chân.
Khách xa đến chơi, người Thái quan niệm, “vía có lúc ham chơi mà lang thang quên cả lối về với chủ hoặc vía lạ bản lạ mường nên dễ bị ma mãnh xứ người đùa giỡn làm hại, vì vậy người Thái thường làm lễ buộc chỉ cổ tay để vía của khách phương xa luôn ở bên người, cầu giúp cho khách luôn khỏe mạnh bình an, may mắn suốt dặm trường thăm thú, vãn cảnh đất khách quê người”.
Người Thái thường chọn thầy mo của bản, hoặc các bậc cao niên có uy tín trong dòng tộc, dòng họ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Lễ buộc chỉ cổ tay thường chọn ngày, giờ và đón thầy đến nhà làm nghi thức cầu an rồi buộc cổ tay cho cả nhà. Hoặc khi có người già ốm lâu ngày thì mời thầy về gọi vía rồi mới buộc chỉ cổ tay, mong cho người già mau khỏe lạ.
Thầy mo Lò Văn Xuân đang làm lễ cũng vía.
Thầy mo Lò Văn Xuân đang làm lễ cũng vía.

Trước khi làm lễ buộc cổ tay, cụ ông, cụ bà đặt cuộn chỉ lên bàn thờ làm lễ xin ban cho quyền năng của thế lực siêu nhiên nhập vào cuộn chỉ để phù trợ cho con người giữ được vía, được hồn luôn khỏe mạnh, tránh được tai ương; ma tà nhìn thấy chỉ buộc ở cổ tay sẽ không dám làm hại hồn vía con người.
Lễ cúng có xôi, trứng gà, một bát gạo và hương để thầy mo bẩm báo tổ tiên, thần linh, thổ địa, gia trạch cùng hợp sức, hộ mệnh cho người được làm lễ thêm sức khỏe. Làm lễ xong, chỉ được buộc cổ tay, nam chập 7 sợi chỉ lại rồi buộc vào cổ tay trái, nữ chập 9 sợi chỉ buộc vào cổ tay phải.
Bài khấn của thầy Mo trước khi tiến hành nghi thức buộc chỉ cổ tay.
Bài khấn của thầy Mo trước khi tiến hành nghi thức buộc chỉ cổ tay.
Trước khi buộc chỉ thầy Mo có bài khấn “xí xím khon máng nả, hả xím khon máng lăng/ má đơi ải đơi í má đơi lụ, đơi mê ru hao kin van/ thau hô đon hô khao”. Tạm dịch “bốn mươi hồn vía trước, 50 hồn vía sau/ở chốn nào thì hãy trở về với cha mẹ, chồng con sống đến bạc đầu bạc tóc”.
Chỉ buộc cổ tay có hai màu đỏ và xanh. Chỉ đỏ dùng buộc cổ tay cho khách lữ hành, cầu chúc cho khách chân cứng đá mềm. Buộc chỉ đỏ cổ tay vợ chồng mới cưới nhau để cột chặt hồn vía đôi trai gái có cuộc sống vợ chồng bền chặt, công việc làm ăn trôi chảy. Chỉ đỏ còn dùng buộc cổ tay những người sau cơn hoạn nạn, tai ương, đau ốm, bệnh tật lâu ngày, cầu cho họ gặp may mắn, chóng hồi phục sức khỏe, sống bình yên cùng gia đình, vợ con.
 
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu an của người Thái
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu an của người Thái.

Phong tục buộc chỉ cổ tay của người Thái nhằm giúp cho đồng bào vững tin ở đời sống tinh thần. Đây là một phong tục cần được lưu giữ, bảo tồn trong cuộc sống đương đại.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm